Có rất nhiều người dù tuổi còn rất trẻ nhưng thường gặp phải tình trạng mắt bị mờ đột ngột. Tình trạng này có thể xuất hiện khi làm việc căng thẳng, quá sức trong thời gian dài, nhưng trong một số trường hợp nó lại là dấu hiệu của các bệnh lý về mắt, thậm chí các bệnh lý toàn thân khác cũng thể là nguyên nhân khiến mắt bị mờ đột ngột.
1. Nguyên nhân khiến mắt bị mờ đột ngột
Bỗng nhiên bị mờ mắt đột ngột nhưng không phải do quá trình lão hóa hay do làm việc căng thẳng, xem ti vi, sử dụng các thiết bị điện tử,... thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo những nghiên cứu y khoa, hiện tượng mắt bị mờ đột ngột có khá nhiều nguyên nhân gây ra như bị bệnh tiểu đường, thiếu máu não, đột quỵ, u não...hay các bệnh lý về mắt (tăng nhãn áp, rách hoặc bong võng mạc, viêm dây thần kinh thị giác).
1.1 Nguyên nhân mắt bị mờ đột ngột từ các bệnh lý về mắt
- Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp có thể gây ra hiện tượng mắt mờ đột ngột, nguyên nhân là do áp suất trong mắt tăng cao làm tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực. Bệnh tăng nhãn áp có nhiều loại, tuy nhiên tăng nhãn áp góc đóng thường là nguyên nhân chính gây mờ mắt đột ngột, thậm chí là mất thị lực hoàn toàn.
Các triệu chứng kèm theo thường là đỏ mắt, đau nhức mắt, buồn nôn...
Mắt bị mờ đột ngột có thể do các bệnh lý ở mắt gây ra (Nguồn: Internet)
- Rách hoặc bong võng mạc
Võng mạc là mô nhạy cảm với ánh sáng nằm ở đáy mắt. Đây là nơi hội tụ tia sáng và chuyển thành tín hiệu qua dây thần kinh thị giác gửi lên não để phân tích. Trong một số trường hợp như bị chấn thương, sau phẫu thuật, mắc bệnh tiểu đường, võng mạc có thể bị bong, rách khiến xảy ra hiện tượng mắt bị mờ đột ngột.
- Viêm dây thần kinh thị giác
Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây mù mắt. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân khiến mắt bị mờ đột ngột ở người trẻ tuổi. Ngoài ra, viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng.
1.2 Nguyên nhân mờ mắt đột ngột từ bệnh lý toàn thân
- Bệnh đái tháo đường
Lượng đường trong máu theo thời gian có thể làm hỏng các mạch máu ở võng mạc - phần cảm nhận ánh sáng của mắt. Lúc đầu bệnh có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề về tầm nhìn nhẹ. Tuy nhiên, cuối cùng bệnh võng mạc mắt đái tháo đường có thể sẽ gây ra mù lòa.
- Đột quỵ
Đột quỵ có thể khiến người bệnh bị mờ mắt đột ngột. Một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ là sự thay đổi đột ngột về thị lực nhưng không đau đớn. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhìn mờ, nhìn đôi hoặc đột nhiên mất thị giác.
Những triệu chứng khác của đột quỵ là: chóng mặt, méo mặt, nói lắp, lú lẫn, tê ở một cánh tay, mất khả năng giữ thăng bằng.
- U não
Bệnh u não có thể khiến cho việc dẫn máu về não gặp trở ngại, gây phù nề tắc nghẽn, làm tổn thương tế bào thị giác trên võng mạc thị đáy mắt, làm giảm thị lực khiến bệnh nhân bị mờ mắt đột ngột. Nghiêm trọng hơn, nếu võng mạc thị giác đáy mắt có dạng điểm, dạng tia và vầng có thể dẫn tới xuất huyết dạng ngọn, nhìn các vật chỉ lờ mờ, thậm chí bị mù lòa.
U não có thể khiến mắt bị mờ đột ngột (Nguồn: Internet)
Một số dấu hiệu khác của bệnh u não gồm: người lơ mơ, hay bị nhức đầu, buồn nôn, động kinh...
- Tăng huyết áp
Ngoài những biến chứng ở tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, gây tổn thương ở não, thận, mạch máu. Tăng huyết áp còn có thể dẫn đến biến chứng ở mắt.
Huyết áp cao kéo dài hoặc tăng đột ngột sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu ở võng mạc. Thành mạch máu bị tổn thương sẽ khiến các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Xuất huyết, dịch thoát ra trên võng mạch gây phù võng mạch, lipit thoát ra trên võng mạc tạo thành xuất tiết. Đồng thời, mạch máu co lại gây thiếu máu ở võng mạc, thần kinh thị giác. Tất cả những tổn thương này dẫn đến mờ mắt đột ngột.
- Nhiễm khuẩn, viêm xoang
Một số bệnh nhiễm trùng ở xoang sàng do bệnh lý viêm răng hàm mặt, nhiễm virus sởi, thủy đậu có thể khiến bạn bị mờ mắt đột ngột do viêm thần kinh thị giác. Những người bị viêm thần kinh thị giác có thể mờ một hoặc cả 2 mắt, mạch xơ cứng rải rác.
Trước đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng cơ năng như: giảm thị lực, mờ, ám điểm trước mắt, liếc đau, đồng tử giãn...
2. Làm thế nào khi khắc phục và phòng ngừa hiện tượng mờ mắt đột ngột
Để giảm những ảnh hưởng cho người bệnh về chức năng thị giác cũng như tâm lý lo âu, khi nghi ngờ và phát hiện tình trạng mắt mờ đột ngột người bệnh cần đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Sau khi xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những cách điều trị hợp lý và an toàn.
Biết được nguyên nhân khiến mắt mờ đột ngột sẽ giúp bác sĩ sẽ đưa ra những cách điều trị hợp lý (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ mắt bị mờ đột ngột, bạn cần biết chăm sóc mắt đúng cách. Cụ thể:
- Để cho mắt được nghỉ ngơi: Mắt luôn được sử dụng liên tục, ngoại trừ lúc nhắm mắt. Vậy nên, hãy cho mắt được thư giãn, nghỉ ngơi để phục hồi tầm nhìn. Ngoài ra, tình trạng thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu giấc cũng có thể khiến mắt bị suy giảm thị lực, vì vậy, bạn nên tập thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, hạn chế sử dụng trà hay cà phê vào buổi tối để tránh bị mất ngủ.
- Sử dụng nguồn ánh sáng tốt: Khi đọc sách hay làm việc, bạn cần đảm bảo đủ ánh sáng bằng việc mở hết cửa sổ, bật đủ đèn chiếu sáng, không bị ánh sáng phản chiếu gây chói mắt.
- Massage cho mắt: Những huyệt đạo xung quanh mắt có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện khí huyết và tuần hoàn máu xung quanh vùng cơ của mắt. Vì thế, bạn có thể thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng như xoa hai bàn tay vào nhau rồi áp lên mắt khoảng 10 – 15 giây. Hơi ấm từ bàn tay sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, làm giãn các cơ, giảm sự mệt mỏi.
- Lựa chọn thực phẩm tốt cho mắt: Những loại thực phẩm như cà rốt, dưa leo, đu đủ... chứa nhiều vitamin A sẽ rất tốt mắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống thêm các loại nước trái cây và rau xanh để giúp tăng cường vitamin A cho cơ thể.
- Bên cạnh đó, với những người lớn tuổi không nên bỏ qua cải bó xôi, bởi rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, loại rau này có chứa lutein, zeaxanthin – là thành phần chính cấu nên điểm vàng. Thường xuyên ăn cải bó xôi sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt do lão hóa gây ra như: thoái hóa điểm vàng hay đục thủy tinh thể.