Tiêu điểm: Nhân Humanity

U não – 10 dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

(VOH) - U não có thể lành tính hoặc ác tính, do đó bạn cần nhận biết rõ tình trạng u não của mình nằm ở mức độ nào để kịp thời điều trị, tránh nguy hiểm cho tính mạng.

1. U não là bệnh gì?

U não là tình trạng trong não xuất hiện các khối mô được tạo ra bởi các tế bào tăng trưởng nhanh bất thường. U não gồm có 2 loại là u não lành tính và u não ác tính (hay còn gọi là ung thư). Cả 2 loại u não này đều gây tổn thương tế bào não, đôi khi cũng dẫn đến tử vong.

u-nao-10-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-1

Hình ảnh khối u trong não (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh u não

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân cụ thể gây ra u não. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ u não, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ bị u não cao hơn.
  • Tiếp xúc với tia bức xạ: Nếu bạn đã tiếp xúc với tia bức xạ do các vụ nổ bom nguyên tử hay xạ trị ung thư, nguy cơ u não sẽ tăng lên.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người bị bệnh u não hoặc mắc một bệnh di truyền nào đó, nguy cơ bị u não của bạn sẽ tăng lên, tuy nhiên yếu tố nguy cơ này rất thấp.
  • Béo phì: Thừa cân có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác nhau và ung thư não là một trong số đó. Một nghiên cứu đã đề cập rằng những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh u não.
  • Hệ thống miễn dịch yếu: Nếu hệ thống miễn dịch của bạn suy yếu, bạn có nhiều nguy cơ phát triển u lympho của não (ung thư bắt nguồn từ tế bào lympho). Điều này dẫn đến sự tăng trưởng của các tế bào bên trong não.

Nhiều người cho rằng, việc sử dụng điện thoại di động thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh u não, tuy nhiên điều này vẫn chưa được khẳng định chắc chắn.

3. Dấu hiệu của u não

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh u não mà bạn cần cảnh giác:

3.1 Đau đầu

Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu đau đầu diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn vào buổi sáng hoặc cơn đau ngày càng tăng dần thì có thể bạn bị u não. Vì thế, tốt nhất nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây đau đầu.

u-nao-10-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-2

Đau đầu không rõ nguyên nhân - coi chừng dấu hiệu của bệnh u não (Nguồn: Internet)

3.2 Động kinh, co giật

Động kinh, co giật thường xuyên là triệu chứng bệnh u não mà bạn cần cảnh giác. Một số người có thể bị co thắt cơ bắp, cánh tay hoặc chân, đôi khi co giật toàn bộ cơ thể, thỉnh thoảng bất tỉnh.

3.3 Buồn nôn

Cảm thấy buồn nôn hoặc đau dạ dày, đặc biệt là nếu các triệu chứng đó kéo dài và không giải thích được thì có thể là dấu hiệu của bệnh u não.

3.4 Nôn

Nếu bạn buồn nôn và nôn vào buổi sáng, hãy cảnh giác (trừ khi bạn đang mang thai hoặc mắc bệnh dạ dày), đặc biệt là khi nôn kết hợp với yếu mệt hoặc mất cảm giác.

3.5 Thay đổi tầm nhìn

Tầm nhìn mờ, nhìn 1 hóa 2, hoa mắt và mất thị lực là những triệu chứng liên quan đến u não.

3.6 Giảm thính lực

Trong một số trường hợp, khó nghe hoặc giảm thính lực cũng là dấu hiệu muộn của u não.

3.7 Tê

Mất cảm giác ở một phần cơ thể hoặc khuôn mặt cũng là triệu chứng của u não. Đặc biệt, nếu một khối u hình thành trên thân não, nơi não kết nối với tủy sống, người bệnh có thể mất cảm giác hoặc cử động vụng về, yếu ớt.

3.8 Lú lẫn

Những người bị khối u não sẽ thường xuyên bị nhầm lẫn, đặc biệt là ở giai đoạn muộn của bệnh. Người bệnh có thể bị rối loạn khi hiểu âm thanh và những gì người khác đang cố gắng nói, điều này khiến họ lo lắng, buồn bã hoặc bị kích động.

3.9 Mất thăng bằng

Khối u ở mặt sau não dễ dẫn đến tình trạng mất thăng bằng và khó khăn khi đi bộ.

3.10 Thay đổi tính cách

Khối u não có thể gây ra những thay đổi lớn trong hành vi hay tính cách thường ngày ở một người. Tình trạng này xuất hiện khi khối u ở trong bán cầu não. Điều này cũng khiến người thân của bệnh nhân sợ hãi vì sự thay đổi đột ngột trong hành vi và tính cách của họ.

Khi có những dấu hiệu này, nhất là xuất hiện cùng lúc nhiều dấu hiệu trên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán xem có phải do bệnh u não gây ra hay không.

Ngoài những triệu chứng lâm sàng kể trên, để chẩn đoán u não, các bác sĩ có thể sử dụng các kĩ thuật như chụp X-quang, siêu âm não, ghi xạ hình não, ghi điện não, chụp cắt lớp điện toán, ghi hình cộng hưởng,…nhằm chẩn đoán dễ dàng và chính xác hơn.

4. Bệnh u não có chữa được không?

u-nao-10-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-3

Hãy bảo vệ bộ não bằng cách thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường xuất phát từ não (Nguồn: Internet)

Nếu phát hiện sớm bệnh u não thì đây không hoàn toàn là căn bệnh “tử thần”. Hiện nay, có 5 phương pháp điều trị u não phổ biến là phẫu thuật, dùng tia phóng xạ, sử dụng hóa chất, dùng thuốc corticoide và liệu pháp miễn dịch.

Đối với u não lành tính phát triển dần dần, có thể chỉ cần giám sát theo dõi mà không cần phẫu thuật hoặc chỉ cần phẫu thuật là được. Nếu người bệnh bị u não ác tính thì cần phối hợp điều trị cùng lúc từ 2 – 3 phương pháp mới đạt hiệu quả mong muốn.

Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh u não, từ đó có ý thức phòng tránh bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh u não thì bạn cần nhanh chóng đi khám ngay để được chẩn đoán sớm, từ đó việc điều trị cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bình luận