Chờ...

Cách chữa tai nghe kém không nên bỏ qua

( VOH ) - Giảm khả năng nghe không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà ngày nay việc tiếp xúc nhiều với các loại âm thanh khác nhau cũng khiến giới trẻ bị nghe kém.

Nghe kém sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đồng thời hạn chế khả năng giao tiếp của bạn với mọi người xung quanh. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể dẫn đến giảm thính lực mãn tính hoặc tệ hơn là điếc vĩnh viễn.

1. Nguyên nhân bị nghe kém

Thực tế, nghe kém là giai đoạn đầu của điếc. Nghe kém có nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là:

cach-chua-tai-nghe-kem-ban-nen-biet-voh-1

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị giảm khả năng nghe (Nguồn: Internet)

1.1 Tổn thương tai ngoài

Nút ráy ở ống tai ngoài có thể gây nên nghe kém và điếc. Nếu bạn lấy ráy tai không đúng cách sẽ vô tình đẩy ráy tai vào bên trong và gây ra tình trạng nghe kém.

Ngoài ra, có trường hợp vật lạ kẹt trong ống tai hoặc chít hẹp ống tai cũng gây nghe kém.

1.2 Tổn thương tai giữa

Vòi tai (thông từ mũi - họng lên tai giữa) bị tắc, do viêm mũi họng. Viêm tai giữa có tiết dịch, có mủ, xơ sẹo màng tai cũng có thể gây nghe kém.

Xốp tai (hoặc xơ tai) là một quá trình các xương con của tai giữa bị xốp, cứng khớp, làm sức nghe 2 tai giảm dần rồi gây điếc. Chứng xốp tai gây điếc hay gặp ở người cao tuổi, tiến triển trong cả hai tai, không thể chữa bằng phẫu thuật.

1.3 Tổn thương tai trong

Do viêm tai giữa, viêm xương chũm không điều trị kịp thời gây biến chứng vào tai trong dẫn đến nghe kém. Bên cạnh đó, nhiễm độc một số loại thuốc hay do các nhóm mỡ trong máu tăng lên, nghiện rượu,...cũng có thể làm nhiễm độc dây thần kinh nghe, khiến bạn bị nghe kém.

1.4 Tác động của tiếng ồn

Tác động của tiếng ồn trong một thời gian dài gây nên những tổn thương không hồi phục được ở cơ quan thính giác của tai trong. Nếu bạn phải làm việc trong môi trường ồn ào, tiếp xúc với âm thanh cực lớn thường xuyên thì bạn có nguy cơ bị nghe kém, khi về già tỷ lệ điếc của bạn cũng sẽ cao hơn những người khác.

2. Làm sao để biết mình có bị nghe kém hay không?

Để nhận biết bị nghe kém vô cùng đơn giản, bạn có thể kiểm tra bằng cách đo sức nghe tiếng nói.

Trong một căn buồng hoặc một hành lang yên tĩnh dài khoảng 6 mét, bạn nhờ một người nào đó thì thào nói một số câu, từ đơn giản hướng về phía tai bạn cách độ 5m. Bạn đứng hoặc ngồi, hướng tai đo của mình về phía tiếng nói, dùng ngón tay bịt chặt tai bên kia và nhắc những từ, những con số nghe được. Đo lần lượt hết tai này sang tai kia.

Tai bình thường nghe được tiếng nói thì thào ở khoảng cách 5m. Nếu nghe âm thanh nhưng không rõ câu, từ thì có thể bạn bị nghe kém.

3. Cách chữa tai nghe kém

Khi có dấu hiệu nghe kém bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai – Mũi – Họng uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và thăm khám. Thông thường sẽ bao gồm các bước sau đây:

cach-chua-tai-nghe-kem-ban-nen-biet-voh-2

Hãy đi kiểm tra tai ngay khi có dấu hiệu nghe kém (Nguồn: Internet)

3.1 Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ nhìn vào tai để xác định các nguyên nhân như ráy tai hoặc nhiễm trùng.

3.2 Xét nghiệm màn hình

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn bịt 1 tai lại và kiểm tra khả năng nghe cũng như phản ứng của tai với âm thanh.

3.3 Kiểm tra bằng âm thoa (thanh kim loại dễ rung, hình chữ U dùng tạo ra âm đơn có tần số nhất định)

Bác sĩ sẽ dùng âm thoa để xác định rối loạn âm thanh và tìm ra tổn thương ở dây thần kinh hoặc bất kỳ phần nào của tai.

3.4 Kiểm tra thính lực

Bạn sẽ được đeo tai nghe và nghe nhiều khoảng âm với cao độ khác nhau. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chỉ ra một số âm thanh nhất định.

Lời khuyên: Để tránh ảnh hưởng đến khả năng nghe của tai, bạn cần phải biết cách vệ sinh tai, mũi, họng. Đặc biệt, nên phát hiện và chữa trị sớm các bệnh lý ở tai, nhất là bệnh viêm tai giữa – nguyên nhân hàng đầu gây nghe kém.