Hầu hết mọi người đều cảm thấy ráy tai là một thứ khó chịu, khiến họ mất thêm thời gian để vệ sinh tai. Vậy thật sự ráy tai có vai trò gì không?
1. Ráy tai là gì?
Ráy tai là một lớp mỏng phủ trên da ống tai ngoài, được hình thành do chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào chết. Ráy tai đóng vai trò như một “vệ sĩ” ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài, đe dọa đến thính giác.
Dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra ngoài.
2. Vì sao có ráy tai khô và ráy tai ướt?
Vì sao có người có ráy tai ướt, có người thì ráy tai khô? (Nguồn: Internet)
Ráy tai khô hay ướt tùy thuộc vào hoạt động của tuyến ráy tai khác nhau, phần lớn là ráy tai khô. Dù ở dạng khô hay ướt, ráy tai đều có nhiệm vụ bảo vệ ống tai.
Theo các nhà nghiên cứu, ráy tai ướt hay khô thường do gen quyết định. Ráy tai khô xuất hiện ở 95% người Đông Á, còn ráy tai ướt chiếm ưu thế ở người châu Âu lẫn châu Phi.
3. Các dấu hiệu ráy tai bất thường
Tương tự như nước bọt, nước tiểu, phân,…sự thay đổi về màu sắc hay mùi của ráy tai cũng tiết lộ tình trạng sức khỏe của bạn.
Dưới đây là các dấu hiệu bất thường của ráy tai cảnh báo các vấn đề sức khỏe:
3.1 Ráy tai ướt có mùi hôi
Một trong những triệu chứng của viêm tai giữa là ráy tai có mùi hôi. Điều này cho biết bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc bị tổn thương tai giữa. Nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.
3.2 Ráy tai có nước và có màu xanh
Trường hợp bình thường, bạn bị đổ mồ hôi nhiều và mồ hôi của bạn chảy vào tai, trộn lẫn với ráy tai thì chất có nước tiết ra từ tai là bình thường.
Trường hợp bất thường, bạn không bị chảy mồ hôi nhưng ráy tai ướt màu vàng hoặc xanh lá cây thì có thể báo hiệu bạn bị nhiễm khuẩn tai.
3.3 Ráy tai có lẫn máu khô
Điều này cho thấy bên trong tai của bạn xảy ra các vấn đề như bị xước, chảy máu, màng nhĩ thủng,…Khi có dấu hiệu này bạn nên đi kiểm tra ngay, tuyệt đối không được xem thường.
4. Lấy ráy tai có tốt không?
Thói quen ngoáy tai lấy ráy tai sẽ gây trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai. Vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai hoặc do đi bơi ở hồ chứa nước bẩn.
Hơn nữa, lấy ráy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu bên trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém.
Dù tăm bông mềm nhưng bạn cũng không nên dùng nó để lấy ráy tai (Nguồn: Internet)
Trên thực tế, nhiều người đến tiệm cắt tóc để lấy ráy tai, sau đó bị ngứa tai, đóng vảy trong ống tai, gây ù tai, nghe kém…Nguyên nhân có thể do nhân viên không được đào tạo kiến thức bài bản, dụng cụ lấy ráy tai không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, không ít người đã bị thủng màng nhĩ và bị nhiễm HIV sau khi lấy ráy tai ở tiệm bên ngoài.
Bên cạnh đó, việc tự lấy ráy tai tại nhà cũng dễ gây viêm ống tai ngoài, nhiễm nấm ống tai,…
Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên lấy ráy tai. Bạn nên biết, ráy tai tự sinh ra nhưng cũng có thể tự mất đi. Khi bạn ăn, sự cử động của cơ hàm sẽ giúp đẩy lượng ráy thừa ra bên ngoài lỗ tai, cân bằng lại số lượng ráy cần thiết. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt, bạn gặp các vấn đề về ráy tai thì mới cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để lấy ráy tai, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.
5. Cách vệ sinh tai đúng cách an toàn
Đừng bao giờ đưa bất kỳ thứ gì nhọn như đinh ghim, đầu viết chì hoặc cái kẹp giấy,…vào tai của bạn. Bởi chúng có thể làm rách màng nhĩ. Bạn cũng đừng dùng tăm bông hoặc ngón tay để ngoáy tai. Các hành động này có thể khiến bạn nghĩ rằng đang làm sạch tai và tự lấy ráy tai, thế nhưng nó là hành động gây chèn ép ráy tai vào sâu hơn và biến nó thành cái nắp bít kín màng nhĩ.
Cách làm sạch tai đúng cách chính là nhỏ vào tai một dung dịch làm mềm ráy tai. Có thể là dung dịch oxy già, dầu khoáng hoặc glycerin. Nhỏ từ 1 – 2 giọt vào mỗi bên tai để làm mềm ráy tai, sau khi ráy tai đã mềm, bạn hãy chuẩn bị một bát nước ấm đầy, dùng dụng cụ bơm nhẹ nước vào tai và nghiêng đầu sang một bên để ráy tai chảy ra một cách tự nhiên rồi nhẹ nhàng lau sạch.
Lời khuyên: Bạn không nên rửa tai thường xuyên, đối với người có quá nhiều ráy tai thì mỗi tháng cũng chỉ nên rửa tai 1 lần. Nếu rửa tai thường xuyên là bạn đang rửa sạch lớp ráy tai bảo vệ màng nhĩ và điều này là bất lợi cho sức khỏe tai của bạn.