1. Nghiện rượu là gì?
Chứng nghiện rượu hay còn gọi là nát rượu, là một bệnh nghiện mãn tính. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 liệt chứng nghiện rượu vào loại “rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động tâm thần”.
Chất gây nghiện là rượu, chính xác hơn là etanol hình thành khi lên men rượu. Chứng nghiện rượu có thể bắt đầu ngay khi uống đều đặn một lượng nhỏ. Không phải lúc nào người nghiện rượu cũng ở trong trạng thái say, nó thường diễn tiến một cách chậm chạp và khó nhận thấy.
Những người mang chứng nghiện rượu thường không ý thức được tính nghiêm trọng của bệnh (Nguồn: Internet)
Một người được coi là nghiện rượu nếu thỏa mãn cả hai yếu tố như uống rượu liên tục (ngày nào cũng uống rượu) trên 10 năm và mỗi ngày uống trên 300ml rượu 40 độ cồn (rượu trắng hay bán ngoài thị trường).
2. Các bệnh dễ mắc phải do nghiện rượu
Nghiện rượu nếu không được khắc phục sớm mà cứ kéo dài chứng bệnh này thì người nghiện có nguy cơ mắc phải những căn bệnh sau đây.
2.1 Viêm gan
Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1 - 2 tuần. Triệu chứng gồm chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da,….
Uống rượu nhiều năm có thể dẫn khiến viêm gan diễn tiến thành xơ gan. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do rượu, nếu người bệnh ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi.
2.2 Sảng run
Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu, bệnh này cũng được gọi là “hội chứng cai rượu”. Nguyên nhân gây ra sảng run là do nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 – 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật:
- Môt là, rối loạn ý thức kiểu mê sảng: mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng, luôn trong tình trạng lo âu, sợ hãi,…
- Hai là, các rối loạn về thần kinh: toàn thân run lập cập, nói lắp bắp ngắc ngứ, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây chấn thương sọ não, gãy xương, vỡ tạng,…Nặng hơn, bệnh nhân có thể lên cơ co giật như động kinh.
2.3 Bệnh gút
Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá hủy mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng acid uric trong máu.
2.4 Bệnh tim mạch
Nồng độ cồn càng cào, tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
2.5 Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng
Chỉ trong vòng 5 phút sau khi uống, rượu sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Có thể thấy, nghiện rượu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến tình cảm gia đình bị tác động tiêu cực. Chính vì thế, việc cai nghiện rượu sớm là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi cá nhân thường xuyên sử dụng rượu.
3. Cai nghiện rượu bằng cách nào?
Hiện nay, không có loại thuốc đặc trị cho bệnh nhân nghiện rượu. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực chữa nghiện rượu, có liệt kê một số loại thuốc được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Khi được sử dụng thuốc kết hợp với các can thiệp tâm lý và xã hội, có thể hỗ trợ đáng kể bệnh nhân nghiện rượu trong việc giảm cơn thèm và giảm đáng kể số tần suất say rượu.
Một số loại thuốc đang được sử dụng được xem là thuốc cai nghiện rượu bao gồm:
Cai nghiện rượu bằng thuốc (Nguồn: Internet)
3.1 Disulfiram
Disulfiram có thể được sử dụng trong điều trị cai nghiện rượu đặc biệt là ở giai đoạn duy trì, ngừa tái nghiện. Nó can thiệp vào quá trình trao đổi chất để khi uống một lượng nhỏ rượu hoặc thức uống có cồn sẽ gây đỏ bừng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và nôn, giảm thị lực, nhầm lẫn và khó thở... Bằng những triệu chứng tiêu cực rõ rệt, thuốc đem lại cho bệnh nhân những động lực lớn để từ bỏ rượu.
3.2 Naltrexone
Thuốc giúp giảm bớt cảm giác hưng phấn đến từ việc uống rượu đồng thời làm giảm cảm giác thèm uống rượu của bệnh nhân nghiện rượu. Cơ chế của quá trình này đến từ việc naltrexone ức chế gắn kết giữa endorphin (một protein tạo cảm giác hưng phấn của cơ thể) và các thụ thể thần kinh trong não bộ. Naltrexone có thể được kê cho bệnh nhân trong quá trình cai nghiện rượu hay trong giai đoạn duy trì. Thuốc hiện có sẵn dưới dạng đường uống hoặc đường tiêm tác động kéo dài.
3.3 Acamprosate
Cơ chế của acamprosate là tác động trên các hệ thống truyền dẫn hóa học trong não giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu mà người nghiện rượu gặp phải khi họ không uống rượu trong thời gian dài. Acamprosate được bào chế dạng viên, sử dụng đường uống 3 lần mỗi ngày.
3.4 Các thuốc chống động kinh
Topiramate và gabapentin là những thuốc giúp làm giảm ham muốn hoặc hồi hộp trong quá trình hồi phục. Cả hai loại thuốc này mới đang trong giai đoạn thử nghiệm và đợi được FDA chấp thuận để điều trị chứng nghiện rượu trước khi đưa ra thị trường.
3.5 Thuốc chống trầm cảm
Có thể được sử dụng để kiểm soát các tình trạng lo lắng, tiền lo lắng hoặc trầm cảm. Thuốc thường được sử dụng trên các bệnh nhân cai nghiện rượu ở giai đoạn kiểm soát tái nghiện sau khi đã hoàn thành liệu pháp điều trị. Thuốc chống trầm cảm phải được sử dụng cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Để cai nghiện rượu hiệu quả, người bệnh cần kết hợp giữa việc dùng thuốc với các biện pháp bao gồm giáo dục ý thức, hỗ trợ tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống,…Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng ở bệnh nhân cai nghiện rượu. Người nghiện rượu cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, axit folic, kẽm, selenium và các axit béo cần thiết.
Lưu ý: Các loại thuốc vừa nêu trên chỉ sử dụng trong bệnh viện, được chỉ định và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không tự ý mua và sử dụng để tránh những hậu quả do thuốc gây ra khi sử dụng thuốc không đúng cách.