Bệnh trầm cảm là gì và những phát hiện không ngờ về căn bệnh này?

(VOH) - Bệnh trầm cảm không phải chỉ khi bạn thấy buồn vì mọi thứ không xảy ra theo ý bạn mà là bạn thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp.

Bạn có thể vô tình bỏ qua khi thấy tâm trạng ai đó bỗng dưng xấu đi bất thường, nghĩ rằng cảm giác kiệt sức của họ chỉ là một dấu hiệu căng thẳng. Thế nhưng những biến đổi cảm xúc đó rất có thể đang cảnh báo nguy cơ mắc chứng trầm cảm mà chúng ta không hề hay biết. 

1. Bệnh trầm cảm là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm được biết đến như một rối loạn tâm thần, gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong thời gian dài. Trên thực tế, bệnh trầm cảm không phải chỉ mới xuất hiện ở đời sống hiện đại mà trong các cổ thư y học từ thế kỷ V trước Công nguyên đã ghi nhận những nghiên cứu về căn bệnh này. 

benh-tram-cam-la-gi-va-nhung-dieu-can-biet-ve-can-benh-nay-voh-0
Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm thần đã xuất hiện từ trước Công nguyên (Nguồn: Internet) 

2. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm

Thống kê của Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý cho biết tại Việt Nam tỉ lệ người mắc trầm cảm chiếm tới 15 -25% dân số, phần lớn nằm trong độ tuổi từ 16 – 25. Bệnh nhân bị trầm cảm sẽ có biểu hiện, triệu chứng khác nhau tùy vào độ tuổi, giới tính song vẫn có những triệu chứng phổ biến như lo lắng vô cớ, làm trầm trọng các vấn đề, chán ăn hay khó tập trung vào công việc. 

Xem thêm: Biểu hiện của bệnh trầm cảm, cần biết để bảo vệ bản thân và gia đình

3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm

Trong chương trình Phòng mạch FM, Ths.BS Lê Đình Phương có chia sẻ rằng: chúng ta không nên nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân dẫn đến trầm cảm theo góc nhìn cá nhân bởi mỗi một người bệnh đều có những lý do, vấn đề riêng phải trải qua. Đó có thể là một trong rất nhiều nguyên nhân sau: 

3.1 Yếu tố di truyền

Theo một số nghiên cứu y khoa, có khoảng 46% cặp song sinh cùng trứng sẽ cùng mắc trầm cảm. Nếu bố mẹ mắc bệnh trầm cảm (đặc biệt là người mẹ) thì sau khi sinh con cái có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn bình thường.

3.2 Stress kéo dài

Căng thẳng, áp lực vì một vấn đề nào đó trong thời gian dài sẽ làm mất cân bằng tâm lý, cộng thêm gặp phải chấn động mạnh về tâm lý như mất người thân hay chuyện quá shock cũng gây trầm cảm.

Xem thêm: Bạn cần phải biết tác hại của stress nghiêm trọng như thế nào?

3.3 Giới tính

Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Lý do là phụ nữ thường phải gánh nhiều công việc không tên, dễ gây nhàm chán hoặc ngược lại quá nhiều áp lực hơn so với nam giới.

3.4 Hậu quả bệnh lý

Các bệnh như tổn thương sau chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, sa sút trí tuệ… sẽ là nguyên nhân bệnh trầm cảm.

3.5 Mất ngủ thường xuyên

benh-tram-cam-la-gi-va-nhung-dieu-can-biet-ve-can-benh-nay-voh-1
Tình trạng mất ngủ kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm (Nguồn: Internet) 

Mất ngủ thường xuyên (mất ngủ ít kéo dài trên 3 đêm trong tuần, tình trạng lặp đi lặp lại suốt một tháng hoặc lâu hơn) sẽ khiến bộ não không được nghỉ ngơi, gây rối loạn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin. 

4. Điều trị trầm cảm như thế nào?

Trầm cảm hoàn toàn không phải là nhân cách bệnh phải lên án hay biểu hiện của tính cách yếu ớt, nhạy cảm hay ủy mị. Chính vì vậy nếu nhận thấy người thân hay bạn bè của mình đang phải trải qua tình trạng bệnh này, hãy chia sẻ, lắng nghe và thuyết phục họ tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa để kịp thời điều trị. 

Quá trình điều trị trầm cảm thực sự là một “nghệ thuật”, tùy theo mức độ bệnh lý, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và kết hợp liệu pháp điều trị phù hợp. 

Xem thêm: Những biện pháp tâm lý để điều trị và chăm sóc người bệnh trầm cảm

5. Những biến chứng của trầm cảm

Có thể nói, bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử, để lại nhiều tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu không phát hiện trầm cảm đúng lúc thì rất khó kiểm soát những biến chứng nguy hiểm của bệnh, đặc biệt là nguy cơ người bệnh cảm thấy cuộc đời là gánh nặng và tìm đến việc tự tử. 

Xem thêm: Đừng chủ quan trước các biến chứng nguy hiểm của bệnh trầm cảm

6. Một số biện pháp phòng ngừa trầm cảm

Có thể thấy rằng, trầm cảm vẫn luôn “ẩn nấp” xung quanh đời sống, dù vậy chúng ta không nên quá lo lắng, bi quan hay sợ hãi về căn bệnh này, thay vào đó hãy sống tích cực hơn cũng như chủ động phòng tránh để bảo vệ cuộc sống của bản thân, người thân và bạn bè.

benh-tram-cam-la-gi-va-nhung-dieu-can-biet-ve-can-benh-nay-voh-2
Luôn giữ tinh thần lạc quan, biết ơn với cuộc đời là một trong những cách phòng chống trầm cảm hiệu quả (Nguồn: Internet) 

Tốt nhất hãy xây dựng lịch sinh hoạt hợp lý, dành thời gian đổi mới bản thân, thư giãn và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. 

Xem thêm: Thử ngay 7 liệu pháp đơn giản ‘kéo cảm xúc lên’ - giúp bạn vượt qua trầm cảm dễ dàng hơn

7. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp

Trong chương trình Phòng mạch FM - Đài Tiếng Nói Nhân dân TPHCM (VOH), Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương đã dành thời gian giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan tới bệnh trầm cảm. 

Tại sao phụ nữ sau sinh thường phải hay mắc phải bệnh lý trầm cảm?

Bác sĩ trả lời: Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý rất nghiêm trọng, thậm chí giới y khoa cũng chưa thể giải thích rõ ràng, cặn kẽ nguyên nhân. Có thể do di truyền, rối loạn hormone sau sinh hay tổn thương tâm lý. Do vậy nếu gia đình có phụ nữ vừa sinh em bé, hãy dành thời gian chăm sóc, theo dõi, trường hợp trong những ngày đầu mà nhận thấy có biểu hiện trầm buồn, u uất hay khóc lóc vô cớ hãy tham vấn ý kiến của chuyên gia để kịp thời điều trị. 

Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm có gặp phải tác dụng phụ không? 

Bác sĩ trả lời: Thuốc điều trị trầm cảm thường có tác động chậm, sau 4 – 8 tuần mới cải thiện tốt bệnh tình, giúp người bệnh điềm tĩnh hơn. Tuy nhiên, trong thời gian đầu sử dụng thuốc, chất dẫn truyền tăng lên, não bộ chưa kịp thích nghi, gây cảm giác buồn nôn, chóng mặt, song thực tế thuốc đang dần phát huy tác dụng, khí sắc sẽ tăng lên. Do vậy quá trình điều trị trầm cảm đòi hỏi sự kiên nhẫn và hợp tác với bác sĩ. 

Liệu pháp điều trị trầm cảm bằng việc tác động vào trục não ruột, cụ thể là sinh khối vi trùng đường ruột được tiến hành như thế nào? 

Bác sĩ trả lời: Dân gian có câu: “Lo thắt cả ruột” cho chúng ta thấy sự kết nối, tác động qua lại giữa não bộ và hệ sinh thái đường ruột. Từ đó, y học đã nghiên cứu, chọn ra chủng vi khuẩn đường ruột có lợi cho sức khỏe tâm thần, bào chế lại dưới dạng bột như loại thuốc bổ thần kinh, ổn định khí sắc. 

Nếu bạn hoặc người thân yêu của mình đang chiến đấu với chứng trầm cảm, hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất ở trong cuộc chiến này. Bạn xứng đáng nhận được mọi trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau cùng với sự điều trị tốt nhất từ các chuyên gia tâm lý.