Không thể phủ nhận rằng có những thời điểm, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng chùng xuống, không còn hứng thú nhiều với công việc và các hoạt động trong ngày, đó là phản ứng tự nhiên khi chúng ta phải trải qua những sự kiện không vui hay trái mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, nếu nỗi buồn cứ dai dẳng “đeo bám”, khiến bạn cảm thấy bế tắc và không thể vượt qua nó, thì nguy cơ cao bạn đang mắc phải chứng trầm cảm mà không hề hay biết.
Chính vì vậy, để cải thiện tâm trạng tốt hơn, kéo bản thân ra khỏi vòng xoáy lo âu và chán nản ấy, hãy thử tham khảo áp dụng 7 liệu pháp đơn giản sau đây nhé.
1. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì và cải thiện sức khỏe tinh thần. Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng mất ngủ sẽ khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng, căng thẳng thần kinh và dễ cáu gắt.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, nên ngủ đủ giấc (từ 7 – 8 tiếng một ngày) thay vì ngủ quá nhiều. Thói quen ngủ không theo giờ giấc, “xuyên ngày xuyên đêm” dẫn tới nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin tăng vượt mức an toàn, gây nhức đầu và mệt mỏi trở lại.
2. Chế độ ăn uống hợp lý
Một số phân tích cho thấy tình trạng rối loạn tiêu hóa có tác động không nhỏ tới sức khỏe hệ thần kinh bởi sự kết nối chặt chẽ ở trục não ruột. Theo đó, việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng chất kích thích hay đồ ăn nhanh, nhằm tăng cường sản sinh vi khuẩn có lợi trong hệ sinh thái đường ruột sẽ góp phần tạo ra serotonin và tác động tích cực tới tuyến hạ đồi.
3. Viết nhật ký
Viết nhật ký được coi là liệu pháp chữa lành và xoa dịu nỗi buồn vô cùng hiệu quả. Có thể bạn cảm thấy ngại ngùng khi phải chia sẻ khó khăn với mọi người, hãy cầm bút và viết ra suy nghĩ, các vấn đề căng thẳng mình đang trải qua. Thói quen ghi chép nhật kí sẽ giải tỏa ưu phiền, suy nghĩ tiêu cực tốt hơn nhiều so với việc cứ giữ mãi trong lòng đấy nhé.
4. Bài tập 5-4-3-2-1
Các nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đánh giá rằng bài tập 5-4-3-2-1 sẽ kích thích 5 giác quan của bạn hoạt động, hướng bạn tập trung vào những sự vật xung quanh và không chìm trong luồng suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
Cụ thể, 5-4-3-2-1 được hướng dẫn thực hiện như sau:
- 5: Tìm kiếm và gọi tên 5 vật xung quanh bạn (có thể là thứ mà trước nay bạn chưa từng để ý tới).
- 4: Lắng nghe, phát hiện 4 âm thanh.
- 3: Chạm vào 3 đồ vật bất kì và ngắm nhìn chúng.
- 2: Gọi tên 2 mùi hương bạn đang ngửi thấy.
- 1: Nếm thử một món ăn hay thức uống nào đó.
5. Tập yoga
Bộ môn yoga chính là sự kết hợp giữa thiền và các chuyển động của cơ thể, giúp kiểm soát hơi thở, cân bằng cảm xúc, duy trì tâm trạng bình tĩnh và giảm bớt căng thẳng, âu lo. Đặc biệt, quá trình tập luyện yoga giúp điều hòa hormone hạnh phúc serotonin, hướng bạn tới suy nghĩ lạc quan, vui vẻ.
6. Trò chuyện với người xung quanh
Thực tế nỗi buồn có thể dễ dàng “ngự trị” và “đẩy” chúng ta vào trầm cảm phần lớn xuất phát từ cảm giác cô đơn, không muốn chia sẻ hay ngại bày tỏ với người xung quanh. Do vậy, hãy thả lỏng tinh thần và tìm đến người thân, bạn bè gần gũi – những người đem đến cho bạn cảm giác an toàn cũng như sẵn sàng lắng nghe bạn giãi bày tâm sự.
7. Trải nghiệm điều mới lạ
Môi trường quen thuộc cùng những thói quen lặp đi lặp lại đôi khi khiến bạn rơi vào trạng thái chán nản và mất cảm hứng. Lúc này hãy bày trí lại căn phòng, đổi mới kiểu tóc hay dành thời gian “tự thưởng” cho bản thân một chuyến đi chơi, nghỉ dưỡng xem sao.
Cảm xúc của con người vốn không ngừng thay đổi và biến chuyển, có lúc vui nhưng cũng không tránh khỏi những lúc buồn rầu, ủ rũ. Nếu cảm thấy guồng quay của cuộc sống quá vội vã, hãy tạm dừng lại một chút, thư giãn tâm trí để tiếp thêm năng lượng tiến về phía trước bạn nhé.