Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Rối loạn lo âu: Biểu hiện, điều trị và các thắc mắc thường gặp

(VOH) - Bạn có thể cảm thấy lo lắng vào một thời điểm nào đó, nhưng nếu sự lo lắng của bạn xảy ra liên tục và kéo dài, khiến bạn cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi thì có thể bạn đang bị rối loạn lo âu.

Như chúng ta đã biết, bất cứ tình trạng rối loạn sức khỏe nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và rối loạn lo âu cũng vậy. Tình trạng bệnh lý này có biểu hiện như thế nào và người bệnh nên được chăm sóc, điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Rối loạn lo âu là gì?

Rối loạn lo âu (tên tiếng Anh: anxiety disorder) là bệnh tâm lý khá nghiêm trọng, lúc này cảm giác lo lắng, sợ hãi quá mức cứ lặp đi lặp lại một cách vô lý. Hiện nay, các số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc rối loạn lo âu ở cộng đồng chiếm tới 7 – 15%.

Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rối loạn lo âu không phải chỉ mới xuất hiện ở đời sống hiện đại, mà ngay từ thế kỉ V trước Công nguyên, trong các cổ thư y học đã có nhiều nghiên cứu đề cập tới tình trạng bệnh lý này. 

roi-loan-lo-au-bieu-hien-dieu-tri-va-cac-thac-mac-thuong-gap-voh-0
Rối loạn lo âu thậm chí đã xuất hiện từ thế kỉ V trước Công nguyên 

2. Dấu hiệu và các dạng rối loạn lo âu thường gặp

Trong lĩnh vực điều trị sức khỏe tâm thần, người bệnh có thể mắc một hoặc nhiều dạng rối loạn lo âu tại cùng một thời điểm. Theo đó, mỗi dạng rối loạn lo âu sẽ bao gồm những triệu chứng điển hình. Dưới đây là 7 dạng rối loạn lo âu thường gặp: 

2.1 Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder) được đánh giá là dạng rối loạn lo âu nghiêm trọng nhất, cần phải can thiệp liệu pháp trị liệu tâm lý ngay từ ban đầu. Những mối lo lắng có thể xuất hiện vô cớ, kéo dài dai dẳng khiến người bệnh không thể ngắt ra được, dẫn tới tình trạng dễ cáu gắt, cảm thấy bất an và rất khó tập trung trong công việc, thường quên trước quên sau. 

Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến giới trẻ dễ mắc chứng hay quên

2.2 Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder) là tình trạng bệnh có xuất hiện các ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế. Lúc này, người bệnh không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý và để giảm bớt độ thôi thúc gây khó chịu cho bản thân, họ buộc phải thực hiện hành vi cưỡng chế.

Một số hành vi cưỡng chế cụ thể như nhìn đồng hồ hoặc rửa tay liên tục, sưu tầm các vật vô giá trị, ngăn nắp quá mức, tìm kiếm sự cân đối,…

2.3 Rối loạn ám ảnh xã hội (SAD)

Rối loạn ám ảnh xã hội (Social Anxiety Disorder) sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy sợ hãi quá mức trong các tình huống mang tính xã hội như tại các buổi tiệc, nói chuyện trước đám đông hay thậm chí là bị một ai đó nhìn. Khi hành động thì luôn sợ hãi rằng mình sẽ làm các hành vi ngớ ngẩn để rồi phải xấu hổ, đỏ mặt, run rẩy, buồn nôn.

Xem thêm: Những nguyên nhân không ngờ gây ra chứng buồn nôn

2.4 Rối loạn lo âu khi xa cách (SA)

Rối loạn lo âu khi xa cách (Separation Anxiety) thường xảy ra trong tình huống buộc phải chia tay, xa cách môi trường thân quen hay người đem lại cảm giác an toàn. Bệnh có thể gặp ở người trưởng thành nhưng tỉ lệ xảy ra ở đối tượng trẻ em thường cao hơn cả, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi. 

roi-loan-lo-au-bieu-hien-dieu-tri-va-cac-thac-mac-thuong-gap-voh-1
Rối loạn xa cách thường xảy ra nhiều ở trẻ em (Nguồn: Internet) 

2.5 Rối loạn hoảng sợ (PD)

Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder) thường có triệu chứng là các cơn hoảng sợ kịch phát và khiến người bệnh có các hành động, phản ứng rất dữ dội. Trong cơn hoảng loạn, bạn có thể đổ mồ hôi, đau ngực và cảm thấy “đánh trống ngực” liên hồi, thậm chí cảm thấy như bị nghẹt thở. 

Xem thêm: Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?

2.6 Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn stress sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder) xảy ra do người bệnh phải trải qua chấn thương tâm lý quá mạnh, như chứng kiến tai nạn thảm khốc hay người thân qua đời. Chính vì vậy mà rối loạn này còn được biết đến là hậu sang chấn. 

2.7 Rối loạn lo âu do thuốc

Rối loạn lo âu do thuốc (Medication-induced anxiety disorder) là phản ứng thường gặp ở người có thói quen lạm dụng thuốc giảm đau hay các loại chất kích thích nhưng buộc phải dừng sử dụng đột ngột. 

3. Điều trị rối loạn lo âu

Khi một bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu, họ cần phải được điều trị bởi một bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, chủ yếu là điều trị ngoại trú, chỉ một số ít trường hợp phải điều trị nội trú như những trường hợp trầm cảm có ý tưởng tự sát hoặc trường hợp có kết hợp lạm dụng chất gây nghiện.

roi-loan-lo-au-bieu-hien-dieu-tri-va-cac-thac-mac-thuong-gap-voh-2
Người bệnh cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm lý (Nguồn: Internet) 

Có 2 phương pháp điều trị rối loạn lo âu phổ biến là sử dụng thuốc và những liệu pháp về nhận thức hành vi.

Sử dụng thuốc chống lo âu: Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu là những thuốc có tác dụng làm giảm những triệu chứng. Hiện nay, loại thuốc đang được dùng phổ biến là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin chọn lọc mà một số hoạt chất phổ biến như là fluoxetine, sertraline, paroxetine (SSRI)..., loại thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptylin, nhóm benzodiazepine  (seduxen)...

Liệu pháp nhận thức hành vi: Việc điều trị này bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu, từ đó các triệu chứng sẽ hết dần.

4. Biến chứng của rối loạn lo âu 

Thông thường, có tới 80% bệnh nhân có thể điều trị dứt điểm rối loạn lo âu ngay tại tuyến cơ sở. Thế nhưng nếu người bệnh chủ quan và không tới thăm khám khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường thì nguy cơ mắc phải các biến chứng sau đây: 

  • Gây rối loạn, mất cân bằng hệ tiêu hóa
  • Mắc chứng trầm cảm, có thể tự làm hại bản thân và người xung quanh. 
  • Khó kiểm soát hành vi, tham gia vào các tệ nạn xã hội
  • Ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, dẫn tới đột quỵ. 

5. Biện pháp phòng ngừa rối loạn lo âu

Chúng ta cần quan tâm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý rối loạn lo âu, bởi đó chính là cách chủ động nâng cao chất lượng đời sống. Dưới đây là một số lưu ý bạn nên tham khảo thực hiện: 

  • Không chủ quan với các rối loạn tinh thần, cho rằng mình sẽ không bao giờ mắc phải. Đặc biệt, không lên án người đang mắc và phải điều trị bệnh. 
  • Cân đối lịch trình sinh hoạt, vui chơi và làm việc, hạn chế để bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức. 
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, tạo cảm giác khỏe khoắn, phấn chấn. 
  • Không lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hay cà phê. 
roi-loan-lo-au-bieu-hien-dieu-tri-va-cac-thac-mac-thuong-gap-voh-3
Chủ động phòng ngừa rối loạn lo âu để nâng cao chất lượng đời sống, giữ tinh thần luôn phấn chấn và thoải mái (Nguồn: Internet) 

6. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp 

Trong chương trình Phòng mạch FM - Đài Tiếng Nói Nhân dân TPHCM (VOH), Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương đã giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan tới bệnh lý rối loạn lo âu. 

Trầm cảm và rối loạn lo âu có liên quan tới nhau không? Hai tình trạng bệnh này có điểm khác nhau ra sao?

Bác sĩ trả lời: Như chúng ta biết, cảm xúc và tâm lý của con người rất phức tạp, nên mọi phân chia về các bệnh lý tâm thần chỉ là tương đối. Trên thực tế, các thống kê y khoa đã chỉ ra rằng, có tới 56% người bệnh vừa mắc rối loạn lo âu, vừa mắc trầm cảm. 

Trầm cảm và rối loạn lo âu như “anh em song sinh”. 90% người mắc trầm cảm có biểu hiện lo âu thái quá và hầu hết khi bệnh lý rối loạn lo âu không được điều trị dứt điểm sẽ dần diễn biến nặng thành trầm cảm. Tuy nhiên, mối lo lắng của rối loạn lo âu sẽ có xu hướng nghĩ về tương lai, còn ở người trầm cảm là lo lắng ám ảnh quá khứ. 

Rối loạn lo âu có thể bắt nguồn từ tình trạng mất cân bằng trong hệ tiêu hóa? 

Bác sĩ trả lời: Rối loạn lo âu thường có biểu hiện rất đa dạng, tức ngực, đau đầu, run tay hay chán ăn. Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu trục não ruột và ruột cũng được coi là “bộ não” thứ 2. Theo đó, trong ruột có hệ sinh thái vi trùng, sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, gây tác dụng ngược lên tuyến hạ đồi của tuyến yên, do vậy khi xuất hiện rối loạn tiêu hóa thì nguy cơ gây rối loạn thần kinh rất cao. 

Thường xuyên gặp phải tình trạng uể oải vào buổi chiều, rất khó tập trung làm việc, hồi hộp, tim đập nhanh đã kéo dài nửa năm nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm?

Bác sĩ trả lời: Đây là một bệnh cảnh điển hình. Theo phong tục châu Á, chúng ta thường che giấu và ít bộc lộ cảm xúc của bản thân, tuy nhiên dù làm cách nào thì cảm xúc vẫn ở đó, dẫn tới các biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực và dần kiệt sức. Khi đã đi điều trị từ 3 – 4 bác sĩ với rất nhiều bệnh lý xuất hiện liên tiếp, thì nên tìm tới bác sĩ tâm lý sớm. 

Điều trị rối loạn lo âu bằng các loại thuốc bổ có hiệu quả không? 

Bác sĩ trả lời: Các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống lo âu, chứ không thể điều trị hiệu quả bằng loại thuốc bổ. Mỗi bệnh nhân sẽ cần sử dụng loại thuốc kháng nhau tùy theo biểu hiện và tình trạng bệnh. 

Điều trị rối loạn lo âu khoảng 2 tháng nhưng lại mắc chứng táo bón, chướng bụng khó chịu? Nên khắc phục ra sao?

Bác sĩ trả lời: Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như trên có thể xuất phát từ nhiều vấn đề như đau dạ dày, nhiễm khuẩn HP, nhưng cũng có thể là do điều trị rối loạn lo âu chưa đúng cách. Do vậy tốt nhất đến thăm khám tại khoa tiêu hóa. 

Khi nhận thấy có những dấu hiệu căng thẳng, lo lắng bất thường, bạn nên dành thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Bên cạnh đó, hãy nhớ liên hệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần để không chậm trễ trong việc điều trị và cải thiện rối loạn lo âu.

Mời các bạn theo dõi chương trình Phòng mạch FM - Đài Tiếng Nói Nhân dân TPHCM: Rối loạn lo âu - Nguyên nhân và giải pháp điều trị.