Chờ...

Cách chữa rối loạn lo âu trầm cảm ở phụ nữ trung niên

(VOH) - Lo âu và trầm cảm là 2 chứng bệnh thường xuất hiện cùng nhau, phụ nữ trung niên dễ mắc hỗn hợp 2 chứng bệnh này. Vậy rối loạn lo âu trầm cảm ở phụ nữ trung niên có sao không?

Rối loạn lo âu trầm cảm là gì?

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM), rối loạn lo âu và trầm cảm là dạng bệnh tâm thần thường gặp, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới. 

Rối loạn lo âu và trầm cảm là 2 chứng bệnh chồng chéo lẫn nhau có các biểu hiện chung là khó chịu, có vấn đề về giấc ngủ, khó tập trung. Rối loạn lo âu trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp mà người bệnh có cả 2 triệu chứng của 2 chứng bệnh này. 

cach-chua-roi-loan-lo-au-tram-cam-o-phu-nu-trung-nien-voh-1

Phụ nữ trung niên dễ bị rối loạn lo âu trầm cảm cùng lúc (Nguồn: Internet)

Rối loạn lo âu là bệnh lý có biểu hiện đặc trưng là luôn có cảm giác lo sợ thái quá trước một tình huống nào đó rất bình thường. Sự sợ hãi, lo lắng ở người bệnh thường có tính chất vô lý nhưng kéo dài liên tục và lặp đi lặp lại trên 6 tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và sức khỏe của người bệnh. 

Trầm cảm là dạng bệnh lý về rối loạn cảm xúc, với biểu hiện khí sắc trầm buồn, mất thích thú, giảm sinh lực, dẫn đến mệt mỏi, giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần. 

Như vậy, rối loạn lo âu và trầm cảm là 2 chứng bệnh khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết. Người bệnh trầm cảm thường hay lo lắng và người bị rối loạn lo âu thường nảy sinh tâm lý buồn chán nản. 

Bác sĩ Quang cho biết, rối loạn lo âu trầm cảm là chứng bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trung niên.

Vì sao phụ nữ trung niên dễ bị rối loạn lo âu trầm cảm?

Bác sĩ Quang cho biết, phụ nữ sau 40 tuổi thường bắt đầu có những rối loạn nội tiết trong cơ thể kèm theo các mối quan hệ gia đình thay đổi, tình cảm vợ chồng đôi khi bị nhạt nhòa hơn trước. Đây là nguyên nhân chính khiến phụ nữ trung niên dễ bị rối loạn lo âu trầm cảm.

Bên cạnh đó sự suy giảm của hệ trục não bộ - tuyến yên – buồng trứng khiến phụ nữ gặp nhiều rắc rối như:

  • Mắc bệnh phụ khoa.
  • Thay đổi hình dáng như ngực, mông và bụng chảy xệ, tóc rụng, da vùng mặt nhăn nheo,…
  • Tâm sinh lý thay đổi như cáu gắt hơn, thường xuyên lo âu, giận dữ, sợ hãi, vui buồn vô cớ,…
  • Về thần kinh thì dễ mất ngủ, hay quên.
  • Về hệ thần kinh thực vật thì dễ bốc hỏa, toát mồ hôi,…
  • Xương dễ thoái hóa, nhức khớp, dễ loãng xương.
  • Rối loạn kinh nguyệt.

Chính những yếu tố này đã tác động đến sức khỏe cũng như tinh thần của chị em phụ nữ khiến họ dễ mắc cả 2 chứng bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm cùng lúc.

Rối loạn lo âu trầm cảm có nguy hiểm không?

Khi mắc cả rối loạn lo âu và trầm cảm, người bệnh thường phải đối mặt với các triệu chứng bệnh ở mức nghiêm trọng hơn. Nếu không can thiệp điều trị, bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và gây ra một số bệnh lý như:

  • Bệnh tim mạch, đau tim,…
  • Mất ngủ, khó ngủ, hay gặp ác mộng,…
  • Dẫn đến hội chứng thần kinh chức năng hay còn gọi là suy nhược thần kinh.
  • Rối loạn chức năng ở vỏ não, vùng dưới đồi gây ra nhiều hội chứng bệnh như rối loạn ám ảnh, rối loạn phân ly,…
  • Suy nhược cơ thể.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do virus, vi khuẩn,…gây ra.
  • Tăng nguy cơ tự tử.

Vậy rối loạn lo âu trầm cảm phải làm sao?

Cách chữa rối loạn lo âu trầm cảm

Bác sĩ Quang cho biết, để chữa rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm, về cơ bản cần lưu ý những vấn đề sau:

Khi có dấu hiệu rối loạn lo âu trầm cảm, phụ nữ nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được thăm khám và tư vấn (Nguồn: Internet)

  • Người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định điều trị, đa số điều trị ngoại trú, trừ những trường hợp có ý định tự tử sẽ cần điều trị nội trú dưới sự theo dõi của bác sĩ.
  • Sử dụng các thuốc chống lo âu, nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin. Hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, tuy nhiên loại thuốc này có nguy cơ gây tác dụng phụ lên tim mạch.
  • Sử dụng liệu pháp hành vi và nhận thức, giáo dục về tâm lý.
  • Hướng dẫn người bệnh xử lý khi có biểu hiện lo âu bằng cách tập thư giãn, tập hít thở sâu, vận động thể chất,…

Lời khuyên: Chị em phụ nữ bước vào tuổi trung niên nếu gặp phải những triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm thì hãy tìm đến gặp bác sĩ, trao đổi với họ để được tư vấn và có phương pháp chữa trị phù hợp và kịp thời. 

Bạn có thể nghe lại phần chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang tại audio bên dưới: 

Suy giảm trí nhớ ở phụ nữ trung niên nguy hiểm như thế nào?: Bước vào tuổi trung niên, phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có tình trạng suy giảm trí nhớ. Vậy vì sao phụ nữ dễ bị suy giảm trí nhớ, tình trạng này có nguy hiểm không?
Suy giảm nội tiết tố nữ - ngoài lão hóa còn do 2 ‘thủ phạm’ này gây ra: Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe chị em phụ nữ. Khi nội tiết tố suy giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân vì sao phụ nữ bị suy giảm nội tiết tố?