Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị suy nhược thần kinh chiếm 3 – 4% số dân, ở các nước phương Tây có số này là 5 – 10%. Chứng suy nhược thần kinh thường xuất hiện ở người lao động trí óc nhiều hơn người lao động chân tay, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ và nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 – 45 tuổi.
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này nên thường không quan tâm và điều trị kịp thời, khiến cho tỷ lệ bệnh suy nhược thần kinh ngày tăng cùng với nhịp sống hối hả trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.
1. Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh hay còn gọi là hội chứng Da Cost, là một dạng tình trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần. Bệnh được định nghĩa là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ não do tế bào não làm việc quá căng thẳng, sinh ra quá tải và suy nhược làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi cũng như nghỉ ngơi của cơ thể.
Suy nhược thần kinh được xem là “căn bệnh của thời đại” (Nguồn: Internet)
Cơ chế phát sinh suy nhược thần kinh rất phức tạp. Bệnh chủ yếu là rối loạn liên hệ lưới – vỏ não. Khi các dòng xung đột từ bên ngoài vào không được sàng lọc qua tổ chức lưới thân não mà dồn cả lên vỏ não, khiến vỏ não không chịu đựng nổi, dẫn đến sự suy yếu ức chế, suy yếu quá trình hưng phấn và cuối cùng đi đến sự ức chế giới hạn.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến suy nhược thần kinh?
Suy nhược thần kinh là một căn bệnh phổ biến mà nhiều người gọi nó là “căn bệnh của thời đại”. Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh thường do các vấn đề về tâm lý, tình trạng stress, sự căng thẳng kéo dài trong cuộc sống hay môi trường làm việc có những biến động, do nhiều yếu tố xung quanh tác động liên tục và thường xuyên.
Bệnh thường xuất hiện từ từ sau một thời gian sang chấn tâm lý và biểu hiện rõ hơn khi gặp các nhân tố thúc đẩy như:
- Cơ địa thần kinh suy yếu
- Xảy ra những tranh chấp về quyền lợi
- Thất bại trong công việc và đời sống
- Mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, gia đình
- Bị oan
- Mất người thân
- Những bệnh viêm nhiễm mạn tính (viêm xoang, viêm túi mật, viêm loét dạ dày,...)
- Nghiện rượu
- Thiếu ngủ dài ngày, kiệt sức, thiếu dinh dưỡng.
3. Suy nhược thần kinh triệu chứng là gì?
Người bị suy nhược thần kinh luôn có những biểu hiện bất thường về cả tâm lý và sức khỏe.
Biểu hiện suy nhược thần kinh có thể xảy ra ở cả tâm lý và thể chất người bệnh (Nguồn: Internet)
3.1 Triệu chứng về tâm lý
- Luôn cảm thấy thiếu sức sống, trống rỗng hoặc hờ hững. Có cảm giác muốn xa lánh người khác (đây là triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng nó lại là nguyên nhân hoặc kết quả của suy nhược thần kinh).
- Thường xuyên thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như: dễ nổi nóng, giận dữ kết hợp với cảm giác tội lỗi hoặc ăn năn, dễ khóc, có những lúc trầm lặng tuyệt đối hoặc trầm cảm.
- Không có động lực làm bất cứ việc gì, kể cả việc trước đây từng yêu thích.
- Có cảm giác bất lực khi không thể kiểm soát hoặc giải quyết vấn đề của mình. Thường bị thiếu năng lượng, kiệt sức, thiếu khả năng tập trung.
- Thường xuyên suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tiêu cực.
- Có thể nhận thấy bản thân đang xa lánh bạn bè, người thân. Thường tự cô lập mình để đối phó với sự căng thẳng.
- Đôi lúc cảm thấy mọi thứ xung quanh đều là hư ảo hoặc không còn cảm thấy liên quan tới môi trường xung quanh hay những người khác.
3.2 Triệu chứng về sức khỏe
- Rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như giấc ngủ không sâu, có nhiều chiêm bao mộng mị hoặc nằm mãi không ngủ được. Ban ngày, bạn cảm thấy buồn ngủ nhưng khi nằm xuống lại không ngủ được. Dùng thuốc an thần cũng không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.
- Mệt mỏi: Người bị suy nhược thần kinh thường bị mệt mỏi không rõ nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi thể lực, thậm chí càng ngủ nhiều càng cảm thấy suy yếu, không có sức.
- Một số cơ quan khác trên cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu như: tim đập nhanh, tức ngực thở gấp, khó chịu ở dạ dày, phụ nữ kinh nguyệt không đều...
- Một biểu hiện rất điển hình của chứng suy nhược thần kinh là người bệnh luôn cho rằng bình có bệnh chẳng hạn như: đau đầu cho là bị u não, hồi hộp cho là bệnh tim, khó chịu dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày... Mặc dù các kết quả kiểm tra đều bình thường nhưng vẫn không loại bỏ được hoài nghi trong lòng.
- Người bị suy nhược thần kinh còn gặp các triệu chứng cơ khớp và thần kinh như đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, đau nhức cơ, rối loạn cảm giác, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.... Hoặc thường xuyên có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, trướng bụng, đầy hơi, táo bón...
4. Suy nhược thần kinh có thể gây ra những hậu quả gì?
Bệnh suy nhược thần kinh không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng nó lại gián tiếp gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Suy nhược thần kinh có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm (Nguồn: Internet)
- Chứng suy nhược thần kinh và bệnh trầm cảm luôn song hành cùng nhau. Bởi những người bị suy nhược thần kinh thường dễ gặp phải rối loạn hành vi và cảm xúc, dễ cáu gắt, bực bội, khó chịu. Dần dần, người bệnh thu mình lại với cuộc sống, với xã hội và họ dễ rơi vào trầm cảm, tăng nguy cơ tự sát.
- Khi hệ thần kinh gặp vấn đề, chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh giao cảm và hệ tim mạch. Các chức năng của tim mạch cũng bị ảnh hưởng khiến bạn dễ bị tăng huyết áp, co mạch, loạn nhịp tim, đau ngực, đau nhói vùng tim, kích thích tiết mồ hôi...
- Mất ngủ trầm trọng cũng là một trong những hậu quả của suy nhược thần kinh. Điều này tác động xấu đến tinh thần, sức khỏe và suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Ngoài ra, suy nhược thần kinh gây ra những cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng, kéo dài, âm ỉ rất khó chịu, gây suy giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung.
5. Cách điều trị và phòng ngừa suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Thông thường, bệnh suy nhược thần kinh sẽ được kê các loại thuốc giúp tăng cường hệ tuần hoàn, dinh dưỡng cho não, an thần, giải lo âu, giảm triệu chứng mất ngủ...
Đồng thời, bác sĩ sẽ áp dụng liệu pháp tâm lý, giúp người bệnh giải tỏa những vướng mắc trong cuộc sống từ đó cân bằng tâm lý và giúp chữa bệnh hiệu quả.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân của chứng suy nhược thần kinh phần lớn là do áp lực tinh thần, vì thế để phòng bệnh bạn cần tự điều chỉnh tâm lý trên khía cạnh tinh thần. Cụ thể:
- Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể nhằm tránh các chấn thương tâm thần mãn tính.
- Phối hợp hài hòa giữ lao động trí óc và lao động chân tay, giữa làm việc và nghỉ ngơi, giải trí.
- Tránh tiếng ồn trong khi làm việc cũng như ở môi trường sống.
- Luôn tin tưởng lạc quan và tự tạo cho mình niềm vui trong công việc và cuộc sống.
- Đảm bảo giấc ngủ tốt, rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh thực thể.