Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Mẹ bầu cần biết: các bệnh thường gặp trong thai kỳ

(VOH) – Nỗi lo của các thai phụ tăng lên gấp đôi khi bị bệnh dù chỉ là các bệnh thông thường. Biết các bệnh lý thường gặp là cách giảm lo, an thai trong 9 tháng 10 ngày.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, công tác tại bệnh viện Từ Dũ cho biết giai đoạn mang thai, người phụ nữ bị giảm sức đề kháng so với bình thường. Đồng thời, người phụ nữ mang thai phải trải qua những sự thay đổi như về thói quen, giờ làm việc và phải thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới. Hơn nữa, trong giai đoạn này, thai phụ tăng cân nhanh và nhiều thường từ 6kg đến 14kg nhưng cũng có người tăng cân tới 20kg.

Những yếu tố đó khiến thai phụ dễ gặp phải một số bệnh lý (thường là không nguy hiểm). Dưới đây là các bệnh thai phụ thường gặp trong thai kỳ. 

Đau vùng khung xương chậu

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết đau vùng xương chậu chiếm trên 50% than phiền của thai phụ khi khám thai nhưng lại khó điều chỉnh vì sự đau đớn này gần như theo suốt thai kỳ. Lý do là vì trọng lượng thai và tử cung đè lên xương chậu và do hóc-môn thay đổi trong thai kỳ làm cho hệ thống dây chằng và khớp xương giãn nở.

Ba vị trí thường hay bị đau là đau khớp cùng chậu tức là tại vị trí nối cột sống và xương chậu, đau khớp háng, đau khớp vệ.

Trường hợp đau quá mức thì các thai phụ cần tư vấn bác sĩ để có chế độ sinh hoạt và phương pháp hỗ trợ.

Có thể cố định khung xương bằng cách mang đai chuyên biệt vòng qua khung xương chậu lên trên đến cột sống để giữ cho toàn bộ cấu trúc đó không di lệch và rời rạc nhau trong quá trình vận động.

Đau xương chậu - bệnh thường gặp trong thai kỳ

Mang đai chuyên biệt là cách để giảm đau vùng khung xương chậu. Hình minh họa: internet

Nghe nội dung tư vấn từ bác sĩ Thanh Tâm:

 

Bác sĩ Thanh Tâm lưu ý thai phụ dù bị đau đớn nhưng cần hạn chế dùng thuốc giảm đau.

Khi bị đau vùng xương chậu, cần chú ý các tư thế vận động như lên xuống xe, lên xuống cầu thang hay các tư thế làm cho cơn đau tăng lên khác

Một số bệnh lý dễ mắc phải khác như viêm nha chu, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa,  táo bón, nhiễm trùng tiểu, trĩ.

Viêm nha chu khi mang bầu

Khoang miệng người phụ nữ mang thai có sự thay đổi về môi trường và thường ăn vặt, ăn nhiều bữa. Nếu vệ sinh không tốt càng dễ bị viêm nha chu.

Nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ

Bệnh này đa phần ẩn, thai phụ không nhận biết được chuyện đó, thường được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu khi đi khám thai. Thường xảy ra do uống không đủ nước trong thai kỳ. Việc mang thai làm cho hệ niệu co bóp kém, tiểu không hết, ứ đọng nước tiểu làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu. 

Thai phụ cần quan sát màu nước tiểu: uống đủ nước màu vàng nhạt, còn nước tiểu màu đậm là do uống nước không đủ

Táo bón

Do ăn uống khó khăn thai phụ dễ bị táo bón hơn bình thường. 

Từ khi bắt đầu mang thai, cần chú ý chế độ dinh dưỡng: các loại rau trái cây nhuận trường. Lượng chất xơ hợp lý vì dù ăn nhiều rau nhưng thiếu nước cũng không tốt.

Khi bị táo bón kéo dài càng lâu càng khó điều trị. Thai phụ nên trao đổi với bác sĩ. Cần thiết, có thể dùng thuốc bổ sung để hỗ trợ tiêu hóa

Ngoài ra còn dễ bị viêm nhiễm âm đạo hơn trước khi mang thai.

Các thai phụ cũng cần lưu ý các bệnh theo mùa chẳng hạn như bệnh trong mùa mưa là bệnh sốt xuất huyết. Thai phụ bị sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm, có thể bị mất tim thai. Do vậy khi thai phụ bị sốt, không nên chủ quan mà cần thiết phải làm xét nghiệm để biết chắc chắn có phải sốt xuất huyết hay không để có hướng điều trị tích cực.

>>>> Mẹ bầu cần biết: Cách theo dõi cử động thai nhi - thai máy

Bình luận