Melanoma là gì?
Melanoma (còn gọi là ung thư tế bào hắc tố hay u sắc tố), là một loại ung thư da có độ ác tính rất cao. Melanoma thường xuất hiện trên da, hiếm khi xảy ra ở miệng hoặc mắt. Ở phụ nữ, chúng thường xuất hiện ở chân, trong khi ở nam giới chúng phổ biến ở lưng hơn. Đôi khi bệnh Melanoma cũng phát triển từ nốt ruồi với những thay đổi như tăng kích thước, các cạnh không đều, thay đổi màu sắc, ngứa hoặc loét da.
Ung thư hắc tố thường biểu hiện ở những nốt ruồi trên da (Nguồn: Internet)
Ung thư hắc tố (Melanoma) chiếm khoảng 5% trong các loại ung thư da và khoảng 1% các loại ung thư nói chung. Theo nhiều nghiên cứu, số lượng bệnh nhân mắc bệnh ung thư hắc tố ngày càng tăng. Mặc dù bệnh không gặp ở người da vàng nhưng ở vùng phơi sáng nhiều như Việt Nam cũng cần cảnh giác với căn bệnh này.
Ung thư da có 3 loại chính là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư hắc tố (Melanoma). Trong đó, Melanoma là dạng ít phổ biến nhưng lại là dạng dễ di căn đến những bộ phận khác của cơ thể hơn so với 2 dạng ung thư da còn lại.
Nguyên nhân gây bệnh Melanoma
Ánh nắng mặt trời là tác nhân chủ yếu gây bệnh Melanoma, trong đó tia cực tím ultra violet (UV) có thể gây nên những biến đổi của nhiễm sắc thể. Do đó, càng sống ở những vùng có nhiều tia cực tím thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Melanoma gặp nhiều ở người lớn (độ tuổi trung bình là 60), nhưng cũng có trường hợp bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Bệnh gặp ở mọi chủng tộc nhưng người da trắng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Melanoma
Nếu mắc bệnh ung thư hắc tố (Melanoma) bạn có thể gặp một số triệu chứng và biểu hiện như:
- Bờ viền quanh nốt ruồi không đều.
- Kích thước của các nốt ruồi lớn dần.
- Màu sắc các nốt ruồi thay đổi.
- Các nốt ruồi bị vỡ ra và chảy máu.
- Hạch bạch huyết to.
- Khó thở.
- Đau xương khi khối u di căn đến xương.
- Đau đầu, co giật.
- Gặp các vấn đề về thị lực khi khối u di căn đến não.
Chú ý quan sát những nốt ruồi trên da để nhận biết kịp thời các bất thường (Nguồn: Internet)
Nếu nhận thấy nốt ruồi lan rộng, sậm màu, đốm đen chuyển sang màu đỏ, nốt ruồi bị chảy mủ, máu hoặc lở loét thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám ngay để kiểm tra xem có đang mắc bệnh Melanoma hay không. Bệnh Melanoma có thể chữa được nếu phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội nhận biết bệnh từ những biểu hiện nêu trên.
Điều trị bệnh Melanoma bằng cách nào?
Điều trị Melanoma có nhiều phương pháp nhưng hiện nay phương pháp phẫu thuật đóng vai trò chủ yếu. Những khối u có kích thước dưới 3cm đều được cắt bỏ lấn vào vùng rài 4mm kết hợp với tạo hình vạt da. Đối với khối u có kích thước trên 3cm thì vùng rìa cắt bỏ trên 4mm. Nếu có hạch, bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét hạch hoặc kết hợp với tia xạ vùng hạch.
Sau phẫu thuật, để làm kín được vị trí da khuyết bị tổn thương, người ta thường phối hợp với các phương pháp tạo hình như vạt da, ghép da rời, quay vạt da cơ.
Trong trường hợp, các khối u ác tính đã di căn đến các cơ quan khác, ngoài phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị, hóa trị và các liệu pháp miễn dịch kết hợp nhưng khả năng khỏi bệnh hoàn toàn thì không cao.
Biện pháp phòng tránh Melanoma (ung thư hắc tố)
Bạn có thể phòng tránh ung thư hắc tố với các biện pháp sau:
Hãy dùng kem chống nắng nếu bạn phải đi ra đường lúc trưa và chiều (Nguồn: Internet)
- Sử dụng các loại kem chống nắng phổ biến, có chỉ số SFP từ 30 trở lên, nhớ bôi lại sau mỗi 3 tiếng hoạt động dưới ánh nắng mặt trời.
- Khi sử dụng kem chống nắng dạng xịt, để vòi phun cách da khoảng 1cm để đảm bảo có thể xịt đều và phủ kín da.
- Hạn chế hoặc tránh ra ngoài trời nắng vào lúc 11h – 14h.
- Khi đi ra ngoài nên đội mũ rộng vành và đeo kính râm.
- Tránh nhuộm da.
- Luôn quan sát và theo dõi các nốt ruồi trên da để kịp thời nhận biết các bất thường.
Nhìn chung, bệnh Melanoma (ung thư tế bào hắc tố) có thể được chữa khỏi khi bạn phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh chưa di căn. Vì vậy, hãy quan sát cơ thể thường xuyên và chú ý đến những nốt ruồi hoặc tàn nhang trên da. Nếu kích thước chúng ngày càng to ra thì phải nhanh chóng đi kiểm tra ngay.
Tài liệu tham khảo:
- Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
- Trang hellobacsi.com
- Trang dalieu.vn, trang thông tin điện tử - Bệnh viện Da liễu Trung ương