Quan trọng hơn, nắng nóng liên tục kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Người khỏe mạnh còn cảm thấy thật khó chịu trong kiểu thời tiết như thế này, huống chi với nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính càng đối mặt với nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều ngày qua, thành phố có nhiệt độ cao, nắng nóng buổi trưa lên đến 37, 38 độ. Với người già, trong những ngày này cảm giác vô cùng bức bối, ngột ngạt. Ông Hồ Văn Vi, 80 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh có tiền sử cao huyết áp phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, những ngày này do nhiệt độ ngoài trời quá cao, sử dụng quạt máy càng nhiều không khí càng oi bức nên ông phải nằm máy lạnh để nghỉ trưa. Tuy nhiên, do nhiệt độ giữa trong phòng và bên ngoài chênh cao, nên khi nằm máy lạnh, ông cảm thấy người càng thấm mệt, không khỏe khoắn.
Cùng với cảm giác này, cô Nguyễn Thị Thúy, 60 tuổi, ngụ Quận 8 cũng cảm thấy rất mệt, mệt đến nhoài người vì nắng nóng.
Bệnh hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da
Ghi nhận tại các bệnh viện Nhi cho thấy, do còn trong mùa Covid-19 nên lượng bệnh nhi đến khám có giảm so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh ngoại trú. Trong khi như năm rồi thì lượng bệnh tầm khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám mỗi ngày. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa nắng nóng hiện nay là nhóm bệnh hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da.
“Khi nắng nóng sức đề kháng của em bé giảm, vi khuẩn lại sinh sôi tấn công. Những bệnh lý hô hấp có thể kể đến như viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi… Mùa nóng này thức ăn dễ ôi thiu nên trẻ nhỏ cũng dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu” - bác sĩ Phạm Văn Hoàng nói thêm.
Bên cạnh các bệnh ở trẻ thì theo Thạc sĩ-bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu Thành phố cho biết, vào mùa này, Bệnh viện Da Liễu Thành phố tiếp nhận nhiều trường hợp da bị bỏng đỏ, ngứa rát, sạm đen, nổi nhiều mụn...do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, không khí ô nhiễm, đổ mồ hôi nhiều.
Khi nhiệt độ ngoài trời càng tăng, Bác sĩ Tú lưu ý tia cực tím có thể gây hại cho da khi mức độ tiếp xúc da nhiều hơn. Do vậy, việc chọn kem chống nắng cũng nên lưu tâm, phải có chỉ số SPF ≥ 30. Việc bôi lặp lại thường xuyên sau mỗi 2-3 giờ hoặc khi ra mồ hôi nhiều cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, cần kết hợp việc mặc quần áo dài, đội nón rộng vành, đeo kính mát...Hạn chế để lộ cơ thể trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt.
Ảnh minh họa: VOH
Riêng với tình trạng da mùa nóng ưa ngứa rát, nổi mẩn, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Thành phố có lời khuyên: “Ngứa có thể là triệu chứng biểu hiện nhiều bệnh lý về da, hoặc bệnh nội khoa nếu ngứa ảnh hưởng chất lượng cuộc sống hay sinh hoạt hằng ngày thì nên đi khám. Hiện nay trong mùa này để phòng bệnh da, nhất là ngứa nên thường xuyên tắm gội hằng ngày, sử dụng xà bông dịu nhẹ, giảm kích ứng. Nên ưu tiên mặc trang phục nhẹ, thoáng, tránh mặc quần áo chật để da bị kích ứng.”
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Ngoài các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, hay bệnh lý về da sẽ tăng trong mùa nắng nóng thì mùa này cũng là mùa hè, sốt xuất huyết vẫn luôn là mối nguy cơ lớn, đe dọa sức khỏe cả người lớn lẫn trẻ em.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Năm nào cũng có các đợt sốt xuất huyết, chính là cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ, lơ là. Bệnh này có thể nhẹ tự hết nhưng cũng có thể rất nặng, bệnh nặng tốn kém rất nhiều có thể ảnh hưởng sinh mạng. Tốt nhất phụ huynh hiện nay việc phòng ngừa làm sao đừng có lăng quăng thì không có muỗi và không có muỗi thì chắc chắn không có sốt xuất huyết.”
Cách phòng bệnh mùa nắng nóng
Để chủ động phòng bệnh, trong mùa nắng nóng này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp; Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể; Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà bông đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường và thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng,bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết như Bác sĩ Trương Hữu Khanh vừa khuyến cáo.