Móng chọc thịt - nguyên nhân và cách chữa

(VOH) - Móng chọc thịt thường xảy ra ở ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái, ít khi xảy ra ở ngón tay. Móng chọc thịt có nguy hiểm không và nên xử lý như thế nào? hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân móng chọc thịt

Móng chọc thịt là tình trạng bệnh lý xảy ra khi móng chân của bạn thay vì dài ra phía trước như bình thường, nó lại phát triển bất thường và đâm vào vùng da và thịt xung quanh.

Móng chọc thịt thường xảy ra ở ngón chân cái, những ngón chân khác có thể bị móng chọc thịt nhưng ít gặp và ngón tay càng hiếm gặp hơn.

mong-choc-thit-nguyen-nhan-va-cach-chua-voh-1

Cắt tỉa móng sai cách dễ gây móng chọc thịt (Nguồn: Internet)

Có nhiều nguyên nhân gây móng chọc thịt nhưng phổ biến nhất là do quá trình cắt tỉa móng không đúng cách. Khi cắt tỉa bờ bên móng sâu vào bên trong, tổ chức phần mềm bị ép vào thay thế chỗ của bản móng đã cắt, bản móng phát triển thẳng ra ngoài và cũng sẽ xuyên qua tổ chức phần mềm, gây ra hiện tượng móng chọc thịt. Thực tế trên lâm sàng, 57,2% bệnh nhân đến khám móng chọc thịt là do cắt tỉa móng sai cách.

Ngoài việc cắt móng không đúng cách, móng chọc thịt còn do:

  • Thường xuyên đi giày chật, đi giày cao gót, mũi giày quá nhọn gây ép thịt vào bản móng. Bản móng phát triển xuyên qua lớp thịt bị ép và gây móng chọc thịt.
  • Do bệnh lý của móng dẫn đến thay đổi bất thường ở bản móng. Các bệnh như nấm móng, loạn dưỡng,…làm dày và rộng ngón có thể thúc đẩy bản móng đâm vào thịt.
  • Phụ nữ mang thai, tăng cân, chân sưng phù cũng có thể bị móng chọc thịt.

2. Móng chọc thịt có nguy hiểm không?

Móng chọc thịt không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng nó lại gây khó khăn cho người bệnh khi đi lại, đặc biệt là những bệnh nhân cần đi giày mà lại không đi được vì đau do móng chọc.

mong-choc-thit-nguyen-nhan-va-cach-chua-voh-2

Móng chọc thịt nặng có thể gây viêm nhiễm móng (Nguồn: Internet)

Ngoài gây đau đớn, khó đi lại, móng chọc thịt không xử lý sớm có thể gây viêm và mưng mủ ở móng. Móng có thể tạo ra mùi hôi thối nếu vi khuẩn gram dương xanh xâm nhập và phát triển.

Móng chọc thịt nặng, viêm nhiễm nghiêm trọng có thể gây hoại tử vùng thịt và da tại móng bị tổn thương.

3. Cách điều trị móng chọc thịt

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà chọn cách chữa móng chọc thịt thích hợp.

3.1 Trường hợp móng chọc thịt nhẹ

  • Người bệnh ngâm chân vào nước ấm 4 lần/ngày.
  • Rửa chân bằng xà phòng và nước sạch.
  • Đặt bông gòn vào góc rãnh móng bên: Nhẹ nhàng nâng góc móng ngoài lên và đặt cục bông gòn vào giữa bản móng và tổ chức phần mềm (thịt) để góc ngoài bản móng không chọc vào thịt nữa.
  • Cắt phần mềm ở góc bờ bên trước phần móng chọc thịt.
  • Nẹp móng đàn hồi để nâng 2 bờ bên khỏi cuốn móng bên.

3.2 Trường hợp móng chọc thịt nặng

mong-choc-thit-nguyen-nhan-va-cach-chua-voh-3

Phẫu thuật chữa móng chọc thịt nặng (Nguồn: Internet)

Nếu tình trạng không đỡ, đến giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân có biểu hiện đau, tăng tiết mồ hôi, cuốn móng bên phù nề, tiết dịch và mủ, có mùi thối,…thì bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và xử lý.

Bạn có thể cần thiết phải dùng thuốc bôi và kháng sinh. Thuốc kháng sinh bôi kết hợp với thuốc tê tại chỗ để giảm đau. Ở một số trường hợp có thể thực hiện phẫu thuật ở giai đoạn này.

Các trường hợp viêm nhiễm nặng cần sử dụng phẫu thuật lấy hết cả chân móng đi. Sau khi gây tê, bác sĩ lấy bỏ tổ chức hoại tử, mủ, tổ chức hạt phì đại và rửa vết thương. Cắt bỏ một phần bản móng và tạo ra một bờ móng mới.

4. Lưu ý khi chữa móng chọc thịt

Chỉ một thời gian ngắn sau phẫu thuật là bạn có thể về nhà. Sau khi về nhà bạn cần lưu ý:

  • Cố gắng nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Nâng chân cao thường xuyên để giảm sưng.
  • Không nên chơi thể thao hoặc tập thể dục quá sức trong 2 tuần.
  • Giữ vết thương khô và sạch.
  • Trong quá trình chăm sóc móng sau này, hãy cố gắng cắt móng chân của bạn thẳng và không để lại những cạnh sắc.
  • Mang giày phù hợp với kích thước của bàn chân.