Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, đang nguy kịch

VOH - Sở Y tế Thanh Hóa cho biết vừa ghi nhận một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") trên địa bàn.

Bệnh nhân nữ, sinh năm 2008.

Theo người nhà bệnh nhân, từ ngày 22/8 đến 30/8 bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7kg trong vòng 10 ngày. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Ngày 1/9 gia đình đưa bệnh nhân đến Phòng khám An Phúc, địa chỉ xã Tiên Trang để khám và lấy thuốc theo đơn, nhưng bệnh vẫn không đỡ mà có biểu hiện ngày càng nặng như: Mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém... 

Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, đang nguy kịch 1
Ảnh minh hoạ: Internet

Bệnh nhân tiếp tục được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 TW khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản với chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân.

Sau 2 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tình trạng hôn mê, thở oxy, chảy máu chân răng, thở nấc…

Các xét nghiệm Bạch cầu, Hồng cầu, định lượng Procalcitonin máu đều tăng cao; xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Burkholderia pseudomallei-vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Trước đó, vào tháng 11/2022, tại Thanh Hóa cũng đã ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó bệnh nhân 15 tuổi (thị xã Nghi Sơn) đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan mãn… bằng cách sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.

Khi có vết thương nhiễm bẩn đất hoặc nước môi trường cần rửa sạch vết thương ngay với xà phòng và nước sạch.

Cần che chắn vết thương hở, tránh tiếp xúc với đất hoặc nước cho đến khi vết thương lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn.

Khi ra ngoài, tránh mưa lớn và các đám mây bụi, nếu gặp phải môi trường khói bụi, cần che chắn tốt đường hô hấp.

Khi cơ thể có biểu hiện sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét một hay nhiều vùng da trên người không nên tự điều trị mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm.

Bình luận