Theo Bộ Y tế, khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn.
Vi khuẩn này có thể gây hoại tử làm chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng má nên khuẩn gây bệnh Whitmore thường được gọi là "khuẩn ăn thịt người".
Biểu hiện lâm sàng của bệnh: Sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Xem thêm: Bệnh nhi mắc bệnh Whitmore đã tử vong
Để phòng chống bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.
Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 1 trong 2 ca bệnh được phát hiện nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore tại tỉnh Thanh Hóa đã tử vong. Bệnh nhi nam sinh năm 2007 tử vong trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột, đã được tiến hành phẫu thuật nhưng không qua khỏi. Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. |