Chờ...

Ghi nhận 3 ca bệnh Whitmore tại Thanh Hóa và Đắk Lắk, trong đó 2 ca là trẻ em

(VOH) – Bộ Y tế vừa ghi nhận 3 ca mắc khuẩn gây bệnh Whitmore, 2 ca ở Thanh Hóa và 1 ca ở Đắk Lắk.

2 ca ở Thanh Hóa là 2 bé trai trú tại TX.Nghi Sơn, H.Nông Cống. Bệnh nhân còn lại là nữ 40 tuổi ở H.Krông Pắc (Đắk Lắk).

Một trong hai bé trai mắc bệnh có diễn biến rất nặng, từng điều trị nhiều viện trước khi chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương. Xung quanh gia đình chưa phát hiện được ai có biểu hiện bệnh giống 2 bé.

Ghi nhận 3 ca bệnh Whitmore tại Thanh Hóa và Đắk Lắk, trong đó 2 ca là trẻ em 1
Tổn thương do vi khuẩn gây bệnh Whitmore

Trường hợp bệnh nhân nữ ở Đắk Lắk được Sở Y tế Đắk Lắk cho biết đã phẫu thuật điều trị áp xe lá lách tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ tháng 10. Sau đó tái phát đau bụng, bệnh nhân trở lại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2.

Ca bệnh diễn biến rất nặng ở Nghi Sơn, Thanh Hóa (15 tuổi) chuyển lên viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 của bệnh. Gia đình cho biết bé nhiễm vi khuẩn sau khi dầm nước mưa, có biểu hiện sốt cao liên tục 4 ngày, ho, nổi sẩn ban kèm đau tức ngực phải, đau bụng... Bé được chuyển viện trong tình trạng phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, Whitmore.

Bệnh nhi ở Nông Cống, 10 tuổi, khởi đầu với biểu hiện sốt, sưng đỏ vùng mang tai 5 ngày. Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé viêm tuyến nước bọt mang tai phải và điều trị 20 ngày không đỡ. Sau đó trẻ được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị thêm.

Đầu tháng 11, bé được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương, được chích rạch khối áp xe. Kết quả cấy dịch mủ phát hiện bé nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore là bệnh hiếm gặp, gây ra do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu…Bệnh không gây thành dịch nhưng cảnh báo thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Hiện chưa có vắc xin, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trong đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại nơi ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn...