Chờ...

Muốn điều trị trầm cảm, có thể lựa chọn chạy bộ

VOH - Một nghiên cứu của Hà Lan vừa cho thấy hiệu quả của việc chạy bộ trong điều trị trầm cảm ngang với sử dụng thuốc.

Giáo sư Brenda Penninx thuộc Đại học Vrije (Amsterdam, Hà Lan), cùng nhóm các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng so sánh tác dụng của thuốc với lợi ích từ hoạt động chạy bộ đối với những bệnh nhân trầm cảm. Kết quả thu được khá bất ngờ khi cho thấy tác dụng của chạy bộ đối với người bị bệnh trầm cảm tương đương với phương pháp điều trị bằng thuốc.

Sau bốn tháng điều trị, cả hai phương pháp đều cho thấy tỷ lệ thành công như nhau đối với sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Khoảng 44% trong số các bệnh nhân ở mỗi nhóm đã vượt qua được chẩn đoán trầm cảm hoặc sự lo lắng.

Tuy nhiên, ở nhóm người chạy bộ có ghi nhận cải thiện về mặt sức khỏe thể chất, trong khi nhóm điều trị bằng thuốc chống trầm cảm có thể chất yếu đi.

Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tâm lý mà còn để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người bệnh.

Thuốc chống trầm cảm cho thấy có tác dụng rõ rệt trong cải thiện tình trạng bệnh, nhưng bên cạnh đó vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn, góp phần làm suy giảm sức khỏe, chẳng hạn như tăng cân, tăng huyết áp và suy giảm ham muốn tình dục.

Muốn điều trị trầm cảm, có thể lựa chọn chạy bộ 1
Ảnh minh họa: ViDI Studio/Shutterstock

Giáo sư Brenda Penninx giải thích: "Hậu quả của các phương pháp điều trị tâm thần vẫn còn ít được nghiên cứu. Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn so sánh tác động của hoạt động sức khỏe thể chất và thuốc chống trầm cảm đối với sức khỏe chung của các cá nhân, không chỉ sức khỏe tâm thần".

Công trình nghiên cứu của nhóm nhà khoa học được thực hiện trên 141 bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo lắng trong 16 tuần. Những người này được lựa chọn giữa tập thể dục và sử dụng thuốc chống trầm cảm. Đáng ngạc nhiên, có đến hơn phân nửa trong số đó chọn phương pháp tập thể dục.

Bệnh nhân được yêu cầu tham gia chạy bộ có sự giám sát của các chuyên gia từ hai đến ba lần mỗi tuần. Phương pháp luyện tập diễn ra theo nhóm, ngoài trời và có mục tiêu cá nhân hóa cho từng người.

Nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh, sức khỏe thể chất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, tập thể dục đều đặn 2 đến 3 lần/tuần là một thói quen khó duy trì hơn việc dùng thuốc, đặc biệt với người bị trầm cảm.

Chỉ cố 52% trong số bệnh nhân chọn phương pháp chạy bộ duy trì toàn bộ chương trình. Có 15% đã từ bỏ, không tham gia buổi tập nào từ khi bắt đầu.

Dù kết quả nghiên cứu cho thấy có khó khăn trong duy trì phương pháp điều trị trầm cảm bằng chạy bộ, nhóm tác giả khẳng định kết quả của họ không hề làm mất hiệu lực sự liên quan của thuốc chống trầm cảm. Nghiên cứu này giúp mở rộng phương pháp điều trị mà bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn để vượt qua trầm cảm.