Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM), viêm âm đạo là bệnh lý viêm nhiễm ở âm đạo thường gặp nhất của chị em phụ nữ. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 8 – 20% phụ nữ sẽ bị tình trạng viêm âm đạo ít nhất một lần trong đời.
Đây là một dạng bệnh lý khó chịu, rất khó điều trị và dễ tái phát. Bệnh bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như: viêm âm đạo do ký sinh trùng, viêm âm đạo do vi trùng, viêm âm đạo do nội tiết mãn kinh và đặc biệt thường gặp nhất là viêm âm đạo do nấm (nấm âm đạo).
Vì sao phụ nữ thường bị nấm âm đạo?
TS,BS Thanh Hà cho biết, hậu môn của người phụ nữ được xem là “ổ” chứa vi trùng và nấm, khi có một đường dẫn từ hậu môn sang âm đạo thì khả năng nhiễm vi trùng hoặc nấm sẽ có thể xảy ra.
Phụ nữ rất dễ bị nấm đạo nếu gặp những điều kiện thuận lợi (Nguồn: Internet)
Thông thường, phụ nữ sẽ bị nhiễm nấm âm đạo do một loại nấm có tên là Candida Albicans gây ra. Tình trạng này có thể xuất hiện ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều hơn ở những đối tượng có các yếu tố sau:
- Dùng kháng sinh kéo dài: Việc uống kháng sinh kéo dài có thể tiêu diệt các vi trùng bảo vệ và sẽ tạo cơ hội cho nấm phát triển.
- Dùng thuốc nội tiết ngừa thai: Khi uống thuốc ngừa thai, nội tiết trong cơ thể sẽ tăng lên dẫn đến tăng tiết dịch âm đạo, khiến âm đạo trở nên ẩm ướt và dễ bị nấm.
- Cơ quan sinh dục thường xuyên bị ẩm ướt: Những phụ nữ làm những công việc mang tính chất phải lội dưới nước nhiều hoặc những người có thói quen rửa vùng kín liên tục cũng là một trong những nguyên nhân gây nấm âm đạo.
- Phụ nữ thuộc nhóm suy giảm miễn dịch: Phụ nữ có các bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS và phụ nữ mang thai là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu và rất dễ trở thành đối tượng để nấm tấn công.
Triệu chứng nhận biết nấm âm đạo và những ảnh hưởng
Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng nấm âm đạo là:
- Ra nhiều huyết trắng vón cục.
- Vùng kín ngứa rát.
- Tiểu rát.
- Giao hợp bị đau.
- Có cảm giác khô rát âm đạo hoặc âm hộ.
Theo TS, BS Thanh Hà, viêm âm đạo nói chung và viêm âm đạo do nấm nói riêng đều là bệnh lý cần phải được điều trị nhanh chóng và kịp thời. Điều trị chậm trễ, kéo dài hoặc điều trị không dứt điểm có thể sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Phụ nữ bị nấm âm đạo nên điều trị sớm một cách triệt để (Nguồn: Internet)
Phụ nữ bị nấm âm đạo có thể gây viêm nội mạc tử cung và niêm nội mạc ống dẫn trứng khiến ống dẫn trứng bị co hẹp gây thai ngoài tử cung. Hoặc có thể làm tắc ống dẫn trứng dẫn đến vô sinh.
Chẩn đoán và điều trị nấm âm đạo như thế nào?
-
Các bước chẩn đoán nấm âm đạo
Để chẩn đoán viêm âm đạo do nấm, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh để xác định xem liệu bạn có từng bị viêm âm đạo do nấm hay các bệnh lây qua đường tình dục hay không.
Tiếp theo sẽ thăm khám vùng xương chậu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm nấm, chẳng hạn như: có vết trầy, đỏ bên ngoài cơ quan sinh dục, bên trong âm đạo có những bợn trắng dính vào thành âm đạo, bên trong cổ tử cung và âm đạo bị viêm đỏ.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm soi tươi hoặc nhuộm Gram để kiểm tra và tìm kiếm sự hiện diện của các loại nấm gây viêm.
-
Điều trị nấm âm đạo
Điều trị nấm âm đạo cần phải phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như: dùng thuốc uống, thuốc bôi bên ngoài, thuốc đặt tại chỗ, và thuốc rửa vệ sinh phụ nữ trước sinh đặt thuốc.
Tuy nhiên, viêm âm đạo do nấm rất khó điều trị dứt điểm do có thể tái phát nhiều lần. Trường hợp bị viêm âm đạo trên 3 lần được gọi viêm âm đạo mãn tính và những trường hợp này sẽ được điều trị bằng biện pháp cấy nấm làm kháng nấm đồ để có thể tìm ra loại thuốc điều trị đúng và hiệu quả nhất.
Lưu ý: Phụ nữ bị nấm âm đạo mãn tính muốn điều trị khỏi cần phải điều trị cho cả người phối ngẫu.
Vì sao viêm âm đạo do nấm lại hay tái phát?
Theo TS, BS Thanh Hà, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh viêm âm đạo do nấm thường xuyên tái phát. Nguyên nhân thường gây gặp nhất là do nấm nằm ngay tại hậu môn, khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ di chuyển sang âm đạo và “chui” thẳng xuống dưới lớp mô niêm mạc. Lúc này nếu có những yếu tố thuận lợi khác như sức đề kháng kém, âm đạo ẩm ướt hoặc dùng kháng sinh kéo dài... nấm dưới lớp mô sẽ “trồi” lên và gây viêm tái phát.
Nấm âm đạo điều trị không triệt để sẽ rất dễ tái phát trở lại (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, trong quá trình điều trị nếu không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc cũng có thể khiến nấm không được điều trị triệt để và có khả năng quay trở lại.
Đặc biệt, một số trường hợp tự ý mua thuốc điều trị khi chưa được thăm khám cũng sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc và tái phát bệnh.
Phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo bằng cách nào?
Để phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo chị em cần tuân thủ một số lưu ý sau:
- Không tùy tiện dùng kháng sinh kéo dài, chỉ dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.
- Khi vệ sinh vùng kín phải đảm bảo được 2 điều kiện là: sạch và khô.
- Khám phụ khoa định kỳ và kiểm tra sức khỏe về các bệnh lý nội khoa, đặc biệt là bệnh tiểu đường.
Bệnh viêm âm đạo nấm có thể gây ngứa rát, khó chịu khi giao hợp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và rất dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, khi thấy những bất thường ở âm đạo, chị em phụ nữ nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ audio bên dưới:
Chứng viêm âm đạo nội tiết do mãn kinh và cách điều trị : Viêm âm đạo nội tiết là bệnh phổ biến trong các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt là phụ nữ tuổi mãn kinh. Vậy viêm âm đạo nội tiết xuất phát từ nguyên nhân gì và có cách nào để điều trị hiệu quả?