7 nguyên nhân gây ngứa cổ họng khiến bạn không ngờ

(VOH) – Ho thường xuất phát từ việc ngứa cổ họng. Vậy tại sao lại bị ngứa cổ họng và có cách nào để khắc phục tình trạng này hay không?

Ngứa cổ họng là triệu chứng sớm của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus nhưng đây cũng có thể là triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc nhiều căn bệnh khác.

1. Những nguyên nhân gây ngứa cổ họng thường gặp

Tình trạng bị ngứa cổ họng gây ho có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

1.1 Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa cổ họng. Viêm mũi dị ứng thường xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một chất làm giải phóng histamin gây ra những phản ứng thái quá. Tác nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng là phấn hoa, khói thuốc hoặc khói thải.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng ngoài gây ngứa cổ họng còn có thể gây chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa mắt và da, hắt xì, mệt mỏi, mắt sưng đỏ hoặc chảy nước mắt.

1.2 Nhiễm vi khuẩn và virus

Các loại vi khuẩn gây cảm lạnh thông thường hoặc virus gây cúm đều có thể gây ngứa họng. Nếu dấu hiệu ngứa cổ họng mới xuất hiện, bạn có thể ngăn chặn bằng cách uống vitamin C hoặc nước cam.

5-nguyen-nhan-gay-ngua-co-hong-khong-ngo-voh

Ngứa cổ họng có thể do nhiễm virus, vi khuẩn gây cảm cúm (Nguồn: Internet)

Nếu ngứa cổ họng do cảm lạnh bạn sẽ cảm thấy cơ thể đau nhẹ. Còn nếu bị nhiễm virus cúm, triệu chứng ngứa cổ họng sẽ nghiêm trọng hơn, kèm theo đó là sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu, ho, nghẹt mũi...

Ngứa cổ họng do vi khuẩn, virus thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng từ một tuần hoặc hơn. Tuy nhiên, nếu bị bội nhiễm tình trạng bệnh có thể kéo dài.

1.3 Mất nước

Một nguyên nhân khác gây ngứa cổ họng là do mất nước. Khi thời tiết nóng, sau khi tập thể dục hoặc trong khi bị bệnh, cơ thể sẽ mất nhiều nước hơn mức cần thiết. Mất nước có thể sẽ gây khô miệng – một tình trạng tạm thời mà miệng và cổ họng không có đủ nước bọt. Chính điều này sẽ dẫn đến cảm giác ngứa cổ họng.

Ngoài tình trạng bị ngứa cổ họng, các triệu chứng khác có thể gặp phải bao gồm: rất khát, khô miệng, nước tiểu đậm màu.

1.4 Trào ngược dạ dày thực quản

Một số người bị trào ngược dạ dày thực quản mãn tính (chứng ợ nóng) thường hay gặp các vấn đề về cổ họng, điển hình là tình trạng ngứa cổ họng.

Ngứa cổ họng không phải là triệu chứng duy nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, một số người bị trào ngược một cách im lặng và chỉ cảm thấy duy nhất một triệu chứng đó là cổ họng bị ngứa.

1.5 Dị ứng thực phẩm

Cơ thể sẽ xảy ra phản ứng dị ứng với một số thực phẩm vì nghĩ rằng chúng gây hại cho cơ thể. Phản ứng thường phát triển trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiêu thụ các thực phẩm gây dị ứng như: đậu phộng, hải sản, trứng, sữa.... Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng như ngứa cổ họng hoặc miệng, tình trạng dị ứng nặng có thể đe dọa đến tính mạng.

1.6 Dị ứng thuốc

Một số trường hợp bị dị ứng với một số thuốc như penicillin và các loại kháng sinh khác. Đôi khi, bạn có thể bị ngứa cổ họng ngay sau khi dùng một loại thuốc mới.

Khi bị dị ứng thuốc, bạn có thể gặp phải tình trạng ngứa cổ họng xảy ra cùng lúc với các triệu chứng khác như: phát ban, đỏ da quanh mắt, ngứa tai, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng môi, lưỡi, cổ họng, khó thở hoặc khó nuốt, tụt huyết áp....

1.7 Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ gây ngứa cổ họng và ho khan. Thông thường bạn có thể bị ngứa cổ họng ngay sau khi dùng thuốc ức chế men chuyển (ACE) và không kèm theo các triệu chứng nào khác.

2. Những cách trị ho ngứa cổ họng đơn giản tại nhà

Các biện pháp khắc phục ngứa cổ họng có thể thay đổi dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một một số biện pháp đã được thử nghiệm và cho kết quả khả quan trong việc trị chứng ngứa cổ họng mà bạn có thể áp dụng tại nhà, đó là:

5-nguyen-nhan-gay-ngua-co-hong-khong-ngo-1-voh

Có nhiều phương pháp giúp giảm ngứa cổ họng hiệu quả tại nhà (Nguồn: Internet)

  • Ngậm một thìa mật ong.
  • Súc miệng bằng nước muối mỗi ngày.
  • Dùng kẹo ngậm và sirô ho.
  • Dùng thuốc xịt mũi.
  • Uống trà nóng với chanh và mật ong.
  • Có thể sử dụng thuốc chống dị ứng không kê đơn để giảm chứng ngứa cổ họng do dị ứng.

3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Không phải lúc nào tình trạng ngứa rát cổ họng cũng cần đến gặp bác sĩ. Thực tế, bạn có thể tự chăm sóc khi cổ họng bị ngứa thông qua những cách trên. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ngứa cổ họng gây ho kéo dài trên 10 ngày và ngày càng trở nên tồi tệ hơn bạn nên đến gặp bác sĩ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ nếu bị ngứa ở cổ họng kèm theo các triệu chứng sau đây:

  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Nổi phát ban
  • Sưng mặt
  • Đau họng nghiêm trọng
  • Khó nuốt

4. Phòng ngừa ngứa cổ họng bằng cách nào?

Một số cách đơn giản giúp ngăn chặn tình trạng ngứa cổ họng mà bạn có thể áp dụng là:

  • Hạn chế hoặc từ bỏ việc hút thuốc lá.
  • Nên uống nhiều nước.
  • Tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa caffein và rượu.
  • Rửa tay thường xuyên trong mùa mà nhiều người dễ bị cảm lạnh và cảm cúm (từ tháng 10 – đến tháng 5 năm sau).

Trên đây là những nguyên nhân gây ngứa cổ họng và cách khắc phục có thể áp dụng tại nhà, hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thể cải thiện tình trạng của mình. Trong trường nghiêm trọng hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị tốt hơn.