Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngứa khi mang thai: Nguyên nhân do đâu, làm sao khắc phục?

(VOH) – Tình trạng ngứa khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ và khiến mẹ bầu khó chịu. Ngứa thường xảy ra ở 1 số bộ phận như lòng bàn tay, bàn chân đặc biệt là ở bụng.

Mang thai là thời điểm mẹ bầu sẽ phải trải qua rất nhiều những thay đổi về tâm – sinh lý. Sự thay đổi nội tiết tố, hệ miễn dịch và việc tử cung lớn dần theo sự phát triển của thai khiến làn da mẹ bầu trở nên khô, sần, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Bà bầu bị ngứa khi mang thai có phải bất thường?

Theo TS, BS Lê Văn Hiền (PGĐ BV Quốc tế Hạnh Phúc), phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ rất dễ bị ngứa. Mẹ bầu có thể bị ngứa ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở bụng, ngực, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Đôi khi không chỉ là cảm giác ngứa thông thường mà mẹ bầu còn có thể gặp phải các dấu hiệu khác như nổi sẩn, phát ban toàn thân, da sậm màu hoặc bị thay đổi màu da. Thậm chí với những người thường xuyên gãi khi bị ngứa hay có các bệnh lý về da trước đó sẽ dễ xuất hiện những mảng da bị ngứa giống như bị chàm, nó có thể tồn tại kéo dài đến sau sinh và trở thành những vết chàm khó điều trị.

ngua-khi-mang-thai-nguyen-nhan-do-dau-lam-sao-khac-phuc-voh

Bà bầu thường bị ngứa nhiều nhất là ở bụng (Nguồn: Internet)

Tình trạng ngứa thường xảy ra vào khoảng tuần thai từ 20 – 30 của thai kỳ. Ngứa trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do tăng axit của mật hoặc do bệnh lý tắc mật trong thai kỳ.

Thông thường, tình trạng tăng axit mật là do thay đổi nội tiết tố. Nội tiết tố estrogen và progesterone sẽ tăng cao nhất vào khoảng tam cá nguyệt thứ 2 trở về sau và nó có thể làm ảnh hưởng đến sự lọc của gan.

Theo TS, BS Lê Văn Hiền nếu ngứa do tăng axit của mật và không có biểu hiện vàng da, các xét nghiệm cũng không có nhiều bất thường thì tình trạng này sẽ biến mất trong vài ngày sau sinh. Nhưng nếu tình trạng ngứa có kèm biểu hiện vàng da thì được gọi là bệnh lý tắc mật trong thai kỳ, có thể dẫn đến sinh non, nên những trường hợp này thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được điều trị.

Bên cạnh đó, việc tăng cân trong thai kỳ, rối loạn tuần hoàn, hệ tiết tố, hệ miễn dịch... đều là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng ngứa ở phụ nữ mang thai.

Ngứa khi mang thai có điều trị được không?

Theo ThS, BS Lê Duy Hải (BV Thẩm mỹ Duy Hải), điều trị ngứa cho phụ nữ mang thai được chia làm 2 loại là điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc: Bản thân thai phụ sẽ tự thay đổi cách chăm sóc trong thời gian mang thai, ví dụ như:

  • Tắm rửa thân thể thường xuyên với những sản phẩm dịu nhẹ dành cho người viêm da cơ địa.
  • Sử dụng thêm dưỡng ẩm để da không bị khô.
  • Ăn thêm các loại rau xanh trái cây để bổ sung thêm vitamin... giúp hỗ trợ thai phụ giảm bớt ngứa, giảm bớt tình trạng nổi san thương cũng như rút ngắn thời gian điều trị.
  • Không nên gãi nhiều vì càng gãi thì tình trạng ngứa sẽ càng thêm nghiêm trọng.

Điều trị dùng thuốc: Sau khi thăm khám, thai phụ sẽ được cho sử dụng các loại thuốc uống là các loại thuốc kháng histamin được phép sử dụng trong thai kỳ. Có thể sử dụng thêm thuốc bôi nếu san thương nặng. Trường hợp bị nhiễm trùng sẽ phải dùng thêm kháng sinh đường uống.

ngua-khi-mang-thai-nguyen-nhan-do-dau-lam-sao-khac-phuc-1-voh

Mẹ bầu có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm da dành cho phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa ở thai phụ. Thông thường nếu do di truyền hoặc do nội tiết tố thì việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Điều trị ngứa vùng kín cho phụ nữ mang thai

Nếu mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai, bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra xem thai phụ có bị hăm, bị nấm hay không, đồng thời sẽ làm thêm xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân bị viêm âm đạo do nấm.

  • Nếu bà bầu bị ngứa vùng kín do tăng cân quá nhiều, béo phì, dẫn đến hăm và bị nấm thì phương pháp điều trị chủ yếu là tư vấn thai phụ điều chỉnh lại cân nặng. Vệ sinh vùng kín sạch và khô. Khi đi tiểu hoặc vệ sinh không nhất thiết phải rửa quá nhiều, chỉ nên sử dụng khăn giấy khô lau chùi bên ngoài.
  • Nếu bị viêm âm đạo do nấm thai phụ cần được điều trị. Điều trị nấm trong thai kỳ chủ yếu là điều trị tại chỗ bằng cách loại thuốc đặc, thuốc rửa hoặc thuốc bôi.

Lưu ý: Các loại thuốc kháng nấm điều trị toàn thân sẽ được chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai.

Phòng ngừa tình trạng ngứa khi mang thai bằng cách nào?

Phụ nữ chưa mang thai, estrogen sẽ được tiết ra từ buồng trứng, tuy nhiên khi mang thai estrogen sẽ do bánh nhau tiết ra để duy trì sự phát triển của thai kỳ, sự thay đổi này cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến thai phụ, đặc biệt là ở gan.

TS, BS Lê Văn Hiền cho biết, không có cách nào để giúp estrogen giảm xuống, bạn chỉ có thể làm giảm tác động estrogen tăng cao bằng cách:

  • Uống nhiều nước.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất từ các thực phẩm hàng ngày.
  • Tránh những thức ăn gây ngứa mà mình đã biết.
  • Uống các loại thuốc bổ sung vitamin đúng cách.
  • Hạn chế sử dụng các loại hóa chất, xà phòng. Nếu bắt buộc sử dụng thì nên sử dụng găng tay.
  • Sử dụng thêm các loại kem dưỡng ẩm dành cho phụ nữ mang thai.

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa khi mang thai, nhưng chủ yếu là các nguyên nhân lành tính. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị ngứa kèm theo vàng da, sốt, nổi mẩn đỏ phát ban thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Những nguyên nhân khiến bà bầu bị ngứa bụng và cách khắc phục : Ngứa bụng khi mang thai là một vấn đề rất phổ biến ở các mẹ bầu, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Vậy bà bầu bị ngứa bụng thì phải làm sao? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý ngay ...

Tại sao mẹ bầu thường bị đau bụng dưới khi mang thai? : Phụ nữ khi mang thai thường gặp phải tình trạng đau bụng dưới âm ỉ hoặc đau quặn thắt. Hiện tượng này có thể là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé.

Bình luận