Từ lúc mang thai cho đến khi em bé chào đời, cơ thể người mẹ, đặc biệt là vùng bụng sẽ trải qua rất nhiều sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của bào thai.
Nhiều phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng đau bụng dưới khi mang thai, lý do gây nên cảm giác đau bụng ở mỗi người cũng thường khác nhau. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện tượng đau bụng khi mang thai bình thường hay bất thường còn tùy thuộc vào tính chất và các dấu hiệu đi kèm.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến đau bụng dưới khi mang thai?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phụ nữ bị đau bụng dưới khi mang thai. Trong suốt thai kỳ, bụng dưới của thai phụ có thể bị đau do 5 nguyên nhân sau đây:
1.1 Nhau bong non
Trong suốt thai kỳ, tử cung người mẹ sẽ phát triển cùng với bánh nhau. Bánh nhau có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nhau thai sẽ bị bong ra khỏi thành tử cung, khiến tử cung căng cứng và gây đau. Cơn đau này xảy ra liên tục và có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
1.2 Chế độ ăn không cân bằng
Nhiều phụ nữ khi mang thai có tâm lý ‘ăn cho hai người’, tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm. Trong thời gian mang thai, chị em chỉ cần có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đủ chất béo và khoáng chất cần thiết là đủ.
Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh sẽ khiến thai phụ dễ bị táo bón và táo bón là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai. Ngoài ra, táo bón còn có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trĩ khi mang bầu.
Phụ nữ mang thai cần chú trọng nhiều hơn đến chế độ ăn uống (Nguồn: Internet)
1.3 Cơ thể tích tụ mỡ khi mang thai
Việc tăng cân nhanh chóng khi mang thai không chỉ khiến ngoại hình bên ngoài thay đổi mà còn khiến vùng bụng của nhiều chị em bị căng tức nhiều hơn. Phần lớn các tế bào mỡ thừa sẽ tích tụ tại bụng và đùi.
Hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai xảy ra có thể do lượng mỡ tích tụ sớm trong thai kỳ. Lúc này các mẹ bầu thường sẽ có cảm giác như đang bị đau bụng kinh.
1.4 Bụng mẹ là ‘nhà phao’ của bé
Suốt quá trình mang thai, bụng mẹ giống như ‘nhà phao’ của bé. Khi bước qua giai đoạn giữa thai kỳ, mẹ đã có thể cảm nhận được những ‘cú đá’ của con.
Mỗi khi bé tung ra những ‘cú đá’ thì thành bụng mẹ sẽ trở nên căng cứng để đáp ứng lại kích thích này và dù chỉ là phản ứng thích nghi của cơ thể với thai nhi nhưng cũng khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới.
1.5 Đau toàn thân trong suốt thai kỳ
Đau lưng là một triệu chứng thường gặp ở nhiều thai phụ và đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều chị em bị đau tức bụng dưới khi mang thai. Khi gần đến ngày dự sinh, cơ thể thai phụ sẽ càng mệt mỏi, bồn chồn hơn và lúc này chị em thường cảm thấy nhức mỏi toàn thân.
2. Đau bụng dưới khi mang thai qua từng giai đoạn thai kỳ
Ngoài 5 nguyên nhân kể trên thì ở mỗi giai đoạn thai kì hiện tượng đau bụng dưới cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác như:
2.1 3 tháng đầu thai kỳ
- Sẩy thai: Mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai ở 3 tháng đầu kèm theo các triệu chứng như: đau lưng, âm đạo chảy máu, có xuất hiện cục máu đông thì rất có thể là dấu hiệu của sẩy thai.
- Mang thai ngoài tử cung: Cứ 50 mẹ bầu thì sẽ có 1 trường hợp mang thai ngoài tử cung. Dấu hiệu điển hình khi mang thai ngoài tử cung là đau bụng dưới, chảy máu nghiêm trọng ở giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 10 thai kỳ. Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, thắt ống dẫn trứng hay đặt vòng tránh thai thường có nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
2.2 3 tháng giữa thai kỳ
- Tử cung phát triển đẩy căng thành bụng: Khi mang thai, tử cung sẽ tác động vào thành bụng để bụng to lên giúp thai nhi phát triển. Khi tử cung phát triển cũng sẽ làm tác động đến dạ dày và khiến mẹ bầu căng tức bụng nhiều hơn, kèm theo đó là cảm giác buồn nôn và chướng bụng.
Phụ nữ bị đau bụng dưới có thể do tử cung phát triển đẩy căng thành bụng (Nguồn: Internet)
- Đau dây chằng tròn: Có một hệ thống dây chằng và mô dày bao quanh tử cung và bụng của thai phụ, trong đó có dây chằng tròn. Khi tử cung phát triển, dây chằng sẽ bị căng dãn ra để thích nghi với sự lớn lên của thai nhi. Khi dây chằng tròn bị căng dãn, bụng sẽ căng tức và gây ra tình trạng đau bụng dưới khi mang thai.
2.3 3 tháng cuối thai kỳ
- Cơn gò Braxton Hicks: Khi bước sang tuần thứ 30, mẹ bầu sẽ gặp phải những cơn gò tử cung sinh lý Braxton Hicks. Những cơn gò thường kéo dài từ 30 giây đến 1 phút, khiến chị em có cảm giác căng tức và đau bụng.
- Bất thường trong dạ con: Một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai ở giai đoạn này là có những bất thường xảy ra trong dạ con của thai phụ. Nó có thể là dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật hoặc thai chết lưu.
- Bong nhau thai: Đây là trường hợp khá nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé vì nhau thai tách ra khỏi thành tử cung sớm hơn bình thường. Dấu hiệu nhận biết là thai phụ bị đau bụng dữ dội, xuất hiện máu đen hoặc đỏ và dịch chảy ra từ âm đạo.
- Chuyển dạ sinh non: Mẹ bầu sinh con trước tuần thứ 37 thai kỳ được gọi là sinh non. Sinh non thường đi kèm với hiện tượng co thắt thường xuyên, đau lưng dai dẳng. Ngoài ra, các triệu chứng bao gồm dịch âm đạo thay đổi, chảy máu âm đạo, đau bụng, chuột rút.
- Dấu hiệu sắp sinh: Thời điểm cận kề ngày dự sinh, nếu chị em có cảm giác đau tức ở bụng thì có thể là biểu hiện của sự chuyển dạ. Mẹ bầu sẽ thấy những cơn đau ngày càng dày hơn, cường độ đau tăng lên, bụng căng cứng và những cơn co thắt tử cung sẽ diễn ra liên tục cho đến khi em bé sinh ra đời.
Đau bụng dưới khi mang thai có thể là dấu hiệu bình thường nhưng cũng có thể dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe của cả người mẹ lẫn thai nhi. Do đó, nếu mẹ bầu nhận thấy những cơn đau bụng dưới kèm theo các dấu hiệu như chảy máu, đau, sốt, rối loạn thị giác thì hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để thăm khám sớm nhé!