Chờ...

Mang thai bị trĩ: Mẹ bầu nên dùng thuốc gì để điều trị an toàn ?

( VOH ) - Phụ nữ mang thai bị trĩ thường gặp khi đang ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Bệnh cũng có thể phát triển trong lúc chuyển dạ và nặng hơn sau khi sinh em bé.

Khi bị trĩ trong giai đoạn mang thai, nhiều thai phụ lo lắng vì sợ rằng điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vậy chữa bệnh trĩ cho bà bầu bằng cách nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

1. Nguyên nhân phụ nữ mang thai bị trĩ

Bệnh trĩ hình thành do các tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn bị giãn quá mức (phình tĩnh mạch). Bình thường, các mô này có vai trò kiểm soát phân thải ra. Khi các mô này bị phồng, sưng lên thì gọi là trĩ.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị trĩ, có thể kể như:

mach-me-cach-tri-benh-tri-khi-mang-thai-voh-1

Sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ ở mẹ bầu (Nguồn: Internet)

1.1 Táo bón

Táo bón khi mang thai là hiện tượng rất thường gặp, khoảng 40% thai phụ đã trải qua cảm giác đại tiện khó khăn, phân khô cứng, buồn đại tiện nhưng không đi được,…

Các chuyên gia cho biết, táo bón là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai. Nó gây ra những khó chịu không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý của mẹ bầu.

1.2 Giãn nở tĩnh mạch khi mang thai

Khi mang thai, lượng máu lưu thông trong cơ thể người mẹ tăng lên làm giãn nở các tĩnh mạch, các tĩnh mạch ở hậu môn đương nhiên cũng không nằm ngoài sự giãn nở này. Kết hợp với đó là sự gia tăng kích thước của tử cung cũng chèn ép vào các tĩnh mạch hậu môn. Đây là lý do vì sao bà bầu dễ bị trĩ.

1.3 Sự phát triển của thai nhi

Theo thời gian, thai nhi sẽ phát triển lên từng ngày. Đặc biệt những tháng cuối thai kì thì trọng lượng thai nhi đã lớn, sẽ dồn sức nặng xuống vùng xương chậu, hậu môn khiến các tĩnh mạch bị chèn ép lớn, gây ra bệnh trĩ.

Hơn nữa, đến ngày sinh, các mẹ lại phải dùng sức rặn để đưa em bé ra ngoài làm cho các tĩnh mạch, bị tác động thêm một lực mạnh nữa, làm bệnh trĩ phát triển nặng hơn.

1.4 Ít vận động cơ thể

Khi mang bầu, nhiều mẹ rất ít vận động do cơ thể mệt mỏi, tuy nhiên điều này sẽ gây nên tình trạng khí huyết kém lưu thông, khiến tăng độ sa giãn búi mạch. Tăng nguy cơ mắc trĩ.

2. Bà bầu bị trĩ có nguy hiểm không?

Những ảnh hưởng đầu tiên khi bà bầu bị trĩ đó là gặp khó khăn trong việc đi tiêu, chất lượng cuộc sống bị giảm sút, tinh thần khó chịu, không thoải mái.

Bên cạnh đó, mắc bệnh trĩ khi mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe như:

  • Khi mắc trĩ, do áp lực nén tĩnh mạch trong trực tràng khiến các cơ vòng của hậu môn bị nghẹt, máu không thể bơm và lưu thông. Điều này dẫn đến hiện tượng tắc nghẹt búi trĩ, gây đau nhức, khó chịu vùng hậu môn. Nặng hơn nữa sẽ gây nhiễm trùng máu, viêm nhiễm nhiều mức độ khác nhau.
  • Thiếu máu cũng là vấn đề mẹ bầu có nguy cơ đối mặt nếu bị trĩ. Bởi do các triệu chứng của bệnh trĩ khiến mẹ bầu đại tiện ra máu nhiều, dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu.
  • Nứt, rách hậu môn khi bị trĩ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ phân và nước tiểu tấn công vào cơ thể. Đồng thời do phân tích tụ lâu ngày không được thải ra, các chất độc có trong phân sẽ bị hấp thu ngược lại, gây ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và thai nhi.
  • Bệnh trĩ cũng có thể mang lại những nguy hiểm đến hệ thần kinh, gây đau đầu, suy giảm trí nhớ, đau nhức vùng lưng dưới, đầu óc căng thẳng, dễ ngất xỉu.
  • Cùng với đó, nếu bà bầu bị trĩ thì khi sinh em bé sẽ phải đối mặt với nhiều đau đớn và khó khăn trong và sau khi sinh con.

Vì thế, các mẹ không được chủ quan với căn bệnh này. Nếu chưa mắc bệnh thì cần thực hiện các biện pháp phòng tránh. Nếu đã mang thai bị trĩ thì nên đến bác sĩ để thăm khám và có biện pháp chữa trị kịp thời.

3. Mang thai bị trĩ dùng thuốc gì để chữa trị?

Thực tế, có rất ít thuốc chữa trị bệnh trĩ dành cho bà bầu. Vì vậy, nếu đang bị bệnh trĩ trong thai kỳ thì mẹ bầu nên đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn loại thuốc điều trị thích hợp.

Đối với những người bình thường, bệnh trĩ sẽ được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Nội khoa thì có các dạng thuốc như thuốc mỡ, thuốc đặt, kem thoa. Còn ngoại khoa, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ búi trĩ. Tuy nhiên, đối với bà bầu, những cách điều trị này hầu như không được áp dụng vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Do đó, thông thường sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu các phương pháp giảm đau do trĩ và cách ngăn ngừa búi trĩ phát triển. Sau khi sinh em bé xong, mẹ bầu mới được chỉ định điều trị bằng các phương pháp điều trị bệnh trĩ thông thường.

4. Cách giảm đau do trĩ dành cho bà bầu

Khi bà bầu bị trĩ, cảm giác đau đớn là điều khó tránh khỏi. Muốn giảm đau an toàn, các mẹ có thể áp dụng một trong những cách dưới đây:

4.1 Ngâm mình trong nước ấm

Cách này rất có lợi cho phụ nữ mang thai, nó không chỉ đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái do máu được kích thích lưu thông dễ dàng mà còn  giảm cảm giác đau đơn do bệnh trĩ gây nên. Các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên ngâm mình trong nước ấm mỗi ngày vài lần, bạn sẽ thấy tình trạng được cải thiện đáng kể.

4.1 Dùng đá lạnh

Mẹ bầu có thể dùng đá hoặc túi chườm lạnh chườm lên vùng hậu môn vài lần một ngày để hạn chế tình trạng sưng tấy.

4.2 Tránh ngồi quá lâu

mach-me-cach-tri-benh-tri-khi-mang-thai-voh-2

Bị trĩ khi mang thai mẹ bầu không nên ngồi lâu một chỗ (Nguồn: Internet)

Việc ngồi quá lâu rất bất lợi cho phụ nữ mang thai vì sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng. Vì thế, thay vì ngồi nhiều, các bà bầu mắc bệnh trĩ nên dành thời gian để nằm nghỉ ngơi hoặc đứng dậy đi lại.

4.3 Giữ vệ sinh cho vùng hậu môn

Sau mỗi lần đi vệ sinh, các mẹ bầu cần vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ để tránh tình trạng bị nhiễm trùng. Ngoài ra, các mẹ nên nhớ không nên dùng giấy vệ sinh khô mà hãy dùng giấy ướt không tẩm hương thơm hay chất cồn để tránh gây khô rát khi sử dụng.

4.4 Không nên tự ý dùng thuốc

Việc dùng thuốc trong giai đoạn mang thai có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và an toàn của thai nhi. Vậy nên khi muốn dùng thuốc, các mẹ cần được thăm khám và tuân thủ theo sự kê đơn của bác sĩ.

4.5 Bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ, uống đủ nước, tập luyện đúng cách và an toàn

Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, vận động hợp lý sẽ giúp việc đi vệ sinh dễ dàng hơn, từ đó giúp mẹ bầu hạn chế đau đớn khi đi đại tiện.

Thông thường bệnh trĩ sẽ thuyên giảm khi áp dụng những cách đã gợi ý trên. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này không mang lại hiệu quả hoặc gây đau, chảy máu nhiều, các mẹ cần đến gặp bác sĩ để thăm khám kỹ hơn.