Đồng nghiệp bệnh nhân cho biết khi đang ngồi làm việc trong phòng có máy lạnh cùng với nhiều người khác, người đàn ông bất ngờ cứng đờ nửa người bên phải, không cử động, không nói, đi và đứng được.
Bác sĩ nhận định người bệnh bị đột quỵ não tối cấp, kết quả chụp mạch máu não cho hình ảnh tắc động mạch não giữa cấp tính.
Chỉ định điều trị bằng can thiệp nội mạch dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), hút huyết khối gây tắc mạch nhằm tái thông mạch não được đưa ra.
Người bệnh sau đó tỉnh táo trở lại, sức cơ bên liệt dần phục hồi, không còn tình trạng liệt mặt, nói méo tiếng.
Sau 4 ngày điều trị, được tầm soát các yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch, đột quỵ, bệnh nhân ra viện.
Bác sĩ Bùi Đức Thọ, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết khi nắng nóng, nhiều người thường mở điều hòa với nhiệt độ thấp gây ra sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong và ngoài không gian có máy lạnh.
Việc di chuyển giữa các khu vực có nhiệt độ chênh lệch lớn, cơ thể phải điều chỉnh liên tục để ứng phó với sự thay đổi. Khi nhiệt độ cao, mạch máu sẽ giãn ra để tăng cường quá trình tản nhiệt, ngược lại, khi nhiệt độ lạnh đột ngột, mạch máu sẽ co lại.
Điều này cộng với các yếu tố nguy cơ hiện hữu như người có bệnh lý nền về tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn nhịp tim… làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, tắc mạch gây nên đột quỵ"- bác sĩ Thọ nói.
Bác sĩ Thọ đặc biệt lưu ý thời tiết nắng nóng các đối tượng là người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…, người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích... nên hạn chế ra ngoài đường khi nắng gắt.
Người dân có thể dùng máy lạnh để làm mát nhưng chỉ nên giới hạn nhiệt độ ở khoảng 27 độ C, mức chênh lệch trong và ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ C.