Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 10.000 người điều trị COVID-19 vào năm 2020 và khoảng 200.000 người không nhiễm bệnh. Các bác sĩ đã theo dõi tình hình sức khỏe của các đối tượng này trong ba năm.
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology (ATVB).
Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân có tiền sử nhiễm COVID-19, có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng cao gấp đôi so với những người không mắc COVID, trong vòng 3 năm sau chẩn đoán ban đầu. Nguy cơ này tăng gấp 4 lần ở những bệnh nhân phải nhập viện điều trị COVID-19.
Nguy cơ này kéo dài trong ba năm, ngay cả khi các bác sĩ đã tính đến các yếu tố như tiểu đường và tiền sử bệnh tim.
Tuy nhiên, không yếu tố nào được chứng minh là nguyên nhân chính gây gia tăng các biến cố tim mạch sau khi nhiễm COVID-19.
Tiến sĩ Stanley Hazen, chủ tịch Khoa Khoa học Tim mạch và Chuyển hóa tại Cleveland Clinic, cho biết nghiên cứu với gần 250.000 người này chỉ ra vấn đề sức khỏe toàn cầu, dự báo sẽ dẫn đến sự gia tăng bệnh tim mạch trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận có mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh tim tăng cao và nhóm máu.
Phân tích dữ liệu cho thấy, những bệnh nhân COVID-19 có nhóm máu A, B, hoặc AB có nguy cơ gặp biến cố tim mạch cao gấp đôi so với những người có nhóm máu O.
Khoảng 55% người Mỹ và 60% dân số thế giới không thuộc nhóm máu O.
Phát hiện này cho thấy, người có nhóm máu O có thể ít khả năng nhiễm COVID-19 hoặc bị các triệu chứng nghiêm trọng.
COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tim theo nhiều cách khác nhau. Virus có thể gây viêm khắp cơ thể, tạo áp lực lên mạch máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Đầu năm nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo sự gia tăng đáng lo ngại về số ca tử vong liên quan đến tim mạch sau đại dịch COVID-19, với mức tăng 9,3% trong giai đoạn 2020-2022.