Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia hết sức phức tạp. Ca mắc trong những ngày gần đây mặc dù có giảm, nhưng vẫn ở 3 con số.
“Vì vậy, chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan dịch từ Campuchia, Thái Lan và một số nơi khác vào khu vực Tây Nam Bộ của nước ta rất lớn và hiện hữu. Trong thời gian qua, chúng ta đã phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không chỉ ở những trường hợp nhập cảnh trái phép, mà cả nhập cảnh theo đường chính ngạch. Thậm chí, có lần trong 11 người nhập cảnh về Việt Nam có tới 10 người dương tính với SARS-CoV-2”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ. Hiện nay, 2 đoàn công tác của hai đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn đang có mặt tại khu vực này để rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đặt cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ ở mức rất cao. Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao đối với khu vực này. Các biện pháp chúng ta đang triển khai cũng đã phát huy được hiệu quả.
“Biện pháp thứ nhất là làm mọi việc để ngăn chặn tối đa nhập cảnh trái phép vào khu vực này. Tất cả lực lượng, từ bộ đội biên phòng, công an đến các lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày các điểm cắm chốt để quản lý việc nhập cảnh trái phép” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho biết thêm: "Bên cạnh đó, trên đường biển - khu vực rất rộng lớn, việc nhập cảnh trái phép trên đường biển cũng hết sức phức tạp - các tỉnh đã tăng cường tuần tra, giám sát việc nhập cảnh".
Các địa phương cũng huy động mọi người dân tham gia phòng chống dịch, báo cơ quan chính quyền địa phương khi có người nhập cảnh.
Tiếp đến, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả địa phương tăng cường xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, đối tượng, khu vực có nguy cơ… để có thể phát hiện sớm tình hình dịch, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị cho những tình huống dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Cụ thể, đó là chuẩn bị cho tình huống nâng công suất xét nghiệm, cho việc cách ly, cách ly trên diện rộng và cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp nghi ngờ và tiếp xúc gần với những trường hợp dương tính.
Các tình huống khác cũng được đặt ra, như xây dựng bệnh viện để điều trị cho những bệnh nhân trong tình huống có diễn biến dịch phức tạp.
“Chúng tôi luôn đánh giá, tất cả tỉnh có đường biên giới như Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang… đều là những khu vực rất “nóng” trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân và đã cử chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đến đây hỗ trợ việc thiết lập bệnh viện dã chiến”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong đó, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 583.379 ca tử vong trong tổng số 32.604.757 ca nhiễm. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 184.986 ca tử vong trong số 16.003.820 ca bệnh.