Hiện nay vấn đề ngộ độc chì ở trẻ em đang được xem là một trong những vấn đề sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, cụ thể là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là do các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sức đề kháng còn rất yếu và rất thường mắc các bệnh vặt nhưng thay vì đưa bé đi thăm khám nhiều phụ huynh lại tự ý điều trị cho con bằng cách mua thuốc cho uống tại những quầy thuốc Tây. Điều này vô tình có thể khiến trẻ mắc gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tình trạng ngộ độc chì do dùng phải thuốc không rõ nguồn gốc.
Cảnh giác với ngộ độc chì do dùng thuốc cam
Theo ThS, BS Đinh Thạc (BV Nhi Đồng I TPHCM) sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc vô cùng nguy hiểm, có thể gây hại đến sức khỏe thậm chí là tính mạng trẻ em. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay lại có quá nhiều những loại thuốc ko rõ nguồn gốc và một trong những loại thuốc đó chính là thuốc cam.
Lạm dụng thuốc cam có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc chì (Nguồn: Internet)
Thuốc cam là tên gọi dân dã của một bài thuốc dân gian (thường có màu cam nên gọi chung là thuốc cam), loại thuốc này thường chứa các loại thảo dược giúp thanh nhiệt, giải độc, thế nhưng khi pha chế để tạo ra viên thuốc cam sử dụng cho trẻ em thì người ta thường pha vào đó chất chì - một trong những chất rất độc hại và nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em vì có thể gây những tổn thương trên hệ thần kinh, những biến chứng ở đường tiêu hóa, …
Cơ thể bị nhiễm chì lâu ngày có thể gây ngộ độc chì. Những trường hợp này cần phải được cấp cứu và điều trị kịp thời. Việc điều trị cũng vô cùng khó khăn vì phải sử thuốc thải độc chì, hoặc các biện pháp liên quan đến phẫu thuật để có thể giải áp sự tăng áp trong sọ não để đảm bảo an toàn cho tính mạng của trẻ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị ngộ độc chì
Theo ThS,BS Đinh Thạc, tình trạng ngộ độc chì thường sẽ không được phát hiện ở giai đoạn đầu, tức là lượng chì khi đã vào trong cơ thể sẽ tích lũy dần dần và kéo dài rất lâu.
Những biểu hiện triệu chứng của ngộ độc chì cũng xuất hiện âm thầm, không rầm rộ hay bộc phát nên nhiều gia đình sẽ rất khó phát hiện được. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ, các bậc phụ huynh vẫn có thể nhận biết được dấu hiệu ngộ độc chì thông qua quan sát lâm sàng, cụ thể:
- Bé chậm tăng cân, không phát triển chiều cao dù được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.
- Bé chậm phát triển về vấn đề giao tiếp, ví dụ như: giao tiếp kém, chậm tiếp thu....
Như vậy trong trường hợp trẻ có sử dụng thuốc cam (bằng đường uống hay rơ miệng) đều có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc chì. Do đó, nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện trên cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám, cần thiết có thể cho bé làm xét nghiệm để có thể định lượng được lượng chì trong máu của bé.
Ngộ độc chì do dùng thuốc cam có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)
Ngoài ra các bậc phụ huynh cần lưu ý, ngộ độc chì không chỉ xâm nhập vào cơ thể trẻ khi trẻ dùng thuốc cam mà nó còn có thể xâm nhập thông qua các loại đồ chơi, vật dụng trẻ sử dụng hoặc tiếp xúc. Chẳng hạn như: một số loại đồ chơi không rõ nguồn gốc có lớp sơn bên ngoài thì những lớp sơn đó có thể bị pha chất chì (chất chì được pha vào nước sơn thì lớp sơn sẽ bền hơn, ko bị tàn phá bởi thời gian), hoặc những vật dụng thường ngày, ví dụ như các loại bàn, ghế có xi đánh bóng...
Hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng trong viên thuốc cam, ngoài chất chì ra thì đôi khi còn phát hiện có cả chất thủy ngân – một chất cực độc, hoặc thạch tín – một chất vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Vì thế, để bảo bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh cần nhớ:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay, cắt móng tay, không cho trẻ đưa tay và các loại vật dụng, đồ chơi lên miệng.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác.
- Không cho trẻ sử dụng sử các loại thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như: tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường , xăng dầu nhiễm chì hoặc là sử dụng đồ chơi nhựa có sơn chì hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc như thuốc cam.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ audio bên dưới: