Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nhập viện vì đau đầu, buồn nôn, không ngờ bị đột quỵ xuất huyết não

(VOH) - Thông tin từ Bệnh viện Gia An 115 vừa cho biết tại đây vừa can thiệp kịp thời không để lại di chứng cho bệnh nhân tuổi đời còn trẻ bị đột quỵ.

Đáng ngại, khi tiếp nhận ban đầu, khoa Cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 1992, ngụ Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân chỉ trong tình trạng đau đầu, buồn nôn. Bệnh nhân cho biết mình có tiền sử động kinh cục bộ đã nhiều năm, ngoài ra còn bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 ngay lập tức tiến hành các cận lâm sàng cần thiết và phát hiện bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch não (AVM) bán cầu trái kích thước 32x39mm, có xuất huyết khoang dưới nhện thái dương trái do vỡ túi phình động mạch. Ê-kíp của Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hậu - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115 - đã tiến hành chụp và nút dị dạng động tĩnh mạch não số hóa xóa nền, phối hợp vừa nút AVM vừa nút túi phình mạch để bảo vệ tính mạng người bệnh. Can thiệp thành công, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và không bị bất kỳ di chứng nào sau cơn đột quỵ. Đáng nói, cách đây đúng 6 tháng, ông ngoại bệnh nhân cũng bị xuất huyết não với lý do tương tự và đã được can thiệp cứu sống tại đây.

đột quỵ xuất huyết não, ngày 18 tháng 2 năm 2021
 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu cho biết dị dạng động tĩnh mạch não là một rối loạn của mạch máu liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch não. Do không có triệu trứng hay dấu hiệu nhận biết nên bệnh thường ít được phát hiện sớm. Tuy nhiên, đây lại được xem là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất vì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.

Bác sĩ Hậu lưu ý đau đầu ở người trẻ có thể là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch máu não. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu, dù chỉ là thoáng qua, người bệnh cũng không nên chủ quan. Ngoài ra, có nhiều trường hợp dị dạng động tĩnh mạch não có yếu tố gia đình đã được ghi nhận như trường hợp bệnh nhân này. Chính vì vậy, nếu trong gia đình có người bị dị dạng mạch máu não, bạn nên chủ động đi khám, tầm soát để phát hiện bệnh kịp thời.

Trong mùa dịch, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, người bệnh cần tuân thủ “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Ngoài ra, người bệnh nên đặt lịch khám qua điện thoại, website, ứng dụng (app)…Khi đã khám xong nên nhanh chóng rời khỏi bệnh viện, hạn chế thời gian lưu lại trong bệnh viện khi không cần thiết.