“Dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ”

(VOH) – Đây là chủ đề chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến do Bệnh viện Đại học Y Dược tổ chức vào chiều 25/12.

Theo các bác sỹ, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên cả ung thư. Rung tâm nhĩ (rối loạn nhịp tim) là một bệnh lý tim mạch và cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp tử vong vì đột quỵ mỗi năm.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Để nhận biết một cơn đột quỵ, triệu chứng thường gặp nhất mà chúng ta phải nhớ được tóm gọn trong từ FAST (Face - Arm - Speech - Time). Khi đó, Face là gương mặt bệnh nhân sẽ bị yếu. Arm là bệnh nhân có thể bị liệt tay, chân hoặc cả 2 bộ phận. Speech là sự rối loạn về lời nói, bao gồm sự thay đổi về giọng nói (đớ lưỡi, méo tiếng, cứng miệng, không nói chuyện được) hoặc không thể hiểu được những gì người khác đang nói. “Méo cười, ngọng nói, xuội tay” nếu xuất hiện bất ngờ thì nên lập tức gọi cấp cứu hoặc đưa ngay vào bệnh viện”.

Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Quang Bình và Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng chia sẻ về rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ   

Giáo sư - Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Quang Bình và Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng chia sẻ về rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ. 

Nhiều công trình khoa học đã chỉ ra rằng, người bị rung nhĩ sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Các bệnh nhân đột quỵ liên quan đến rung nhĩ, tỷ lệ tử vong chiếm 40%, tàn phế 40% và chỉ khoảng 20% có thể phục hồi và đi lại được sau ba tháng điều trị.

Bệnh rung nhĩ có thể do bệnh lý tại tim hoặc do bệnh lý bên ngoài tim nhưng có tác động vào tim gây ra. Về đối tượng thường mắc phải rung nhĩ được chia ra làm nhiều dạng như: bệnh tim có sẵn (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim), bệnh tăng huyết áp, bệnh phổi, bệnh tuyến giáp.

Ngoài ra, một số tình trạng khác cũng có thể gây ra bệnh rung nhĩ như: tuổi cao, uống nhiều rượu, thiếu máu, ngưng thở lúc ngủ, nhiễm trùng nặng, rối loạn điện giải. Khi một người bị rung nhĩ sẽ có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực vì nhịp tim không đều, lúc nhanh, lúc chậm.

Bên cạnh đó, khi lên cơn rung nhĩ sẽ khiến bệnh nhân mệt lã người, khó thở, hơi thở ngắn. Đặc biệt đối với những bệnh nhân đã có sẵn căn bệnh về tim, tình trạng rung nhĩ sẽ làm bệnh tim nặng hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ nhưng không có triệu chứng.

“Hiện tại, chúng ta đã có những phương pháp để điều trị rung nhĩ như đưa ống thông vào đốt. Với phương pháp này, bệnh nhân có tỷ lệ thành công từ 70 đến 80%. Đây là một biện pháp chữa trị tương đối cho việc chữa trị khỏi bệnh rung nhĩ. Bên cạnh đó, một biện pháp phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ được sử dụng thường xuyên, đó là, sử dụng các loại thuốc kháng đông. Việc sử dụng thuốc kháng đông sẽ giúp máu khó đông, làm cho nhĩ không có cục máu đông. Khi không có máu đông thì sẽ tránh được tình trạng cục máu di chuyển lên não gây đột quỵ”, Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết.

Nguyên nhân đột quỵ do rung nhĩ sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn so với nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, người bệnh rung nhĩ cần chú ý chăm sóc sức khỏe và người bình thường cũng nên có phương pháp để phòng ngừa đúng cách: xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, hạn chế rượu bia.

Đặc biệt nên theo dõi và khám bệnh định kỳ để phát hiện kịp thời cũng như tránh tình trạng bệnh trở nặng. Đồng thời, đối với các bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông nên ăn rau đều đặn trong mỗi bữa ăn.