Tìm hiểu kiến thức đầy đủ về bệnh rung nhĩ là cơ hội để bạn chủ động nhận biết bệnh sớm và điều trị kịp thời, từ đó tránh được những rủi ro về sức khỏe.
1. Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp, đây là một hình thái rối loạn nhịp tim nhanh.
Bình thường, trái tim của chúng ta đập rất đều đặn, với các xung phát, xung động từ nút xoang qua vùng nhĩ rồi xuống buồng thất một cách rất đều đặn, tuần tự. Rung nhĩ xảy ra khi trái tim không còn đập đều như bình thường. Các dẫn truyền qua từng nút xoang bị xóa bỏ, thay bằng những xung động ở vùng nhĩ, gây ra những rối loạn nhịp, nhịp tim không đều, gây ra sự bất đồng bộ giữa nhĩ và thất.
Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim (Nguồn: Internet)
2. Các nguyên nhân rung nhĩ?
Cho đến nay, nguyên nhân và cơ chế gây rung nhĩ vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng ta có thể hạn chế khả năng xuất hiện rung nhĩ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ như:
- Những người mắc bệnh động mạch vành.
- Tăng huyết áp cũng có mối liên quan chặt chẽ với rung nhĩ.
- Bị bệnh van tim (như hẹp, hở van hai lá), viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hay những bệnh nhân sau phẫu thuật tim.
- Mắc bệnh tim bẩm sinh hay cường giáp.
- Mắc bệnh phổi cấp tính hoặc mạn tính.
- Người cao tuổi.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Nghiện rượu, mau túy cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ.
3. Nhận biết triệu chứng rung nhĩ
Các triệu chứng của rung nhĩ khác nhau tùy từng bệnh nhân, phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân gây rung nhĩ (do bệnh tim mạch hay bệnh từ các cơ quan khác) và ảnh hưởng của rung nhĩ đến sự co bóp của tim.
Người bị rung nhĩ thường mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh...(Nguồn: Internet)
Có thể nhận biết bệnh rung nhĩ qua các triệu chứng lâm sàng như:
- Cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm).
- Thở nông.
- Hồi hộp, đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, thình thịch, rộn ràng).
- Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc giảm khả năng đáp ứng với vận động thể lực.
- Đau hoặc cảm giác tức nặng ngực.
- Tiểu tiện nhiều lần.
Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một trong các nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết.
4. Rung nhĩ nguy hiểm như thế nào?
Rung nhĩ xuất hiện do sự rối loạn hình thành các xung động điện học của tim. Khi xuất hiện rung nhĩ, tâm nhĩ rung lên với tần số trên 350 chu kỳ/phút thay vì co bóp một cách nhịp nhàng. Điều này làm hạn chế lưu chuyển của dòng máu và khiến cho máu bị quẩn lại trong nhĩ, qua đó hình thành các cục máu đông và nếu cục máu đông rời khỏi nhĩ trái gây tắc mạch não có thể gây ra đột quỵ.
Thống kê cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Rung nhĩ là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 120.000 trường hợp nhồi máu não mỗi năm và chiếm 25% tổng số trường hợp đột quỵ não.
Đột quỵ não ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, chính vì vậy việc phòng ngừa tai biến đột quỵ là mục tiêu nền tảng trong điều trị rung nhĩ.
Ngoài nguy cơ đột quỵ, rung nhĩ còn là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng như suy tim, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở.
5. Điều trị rung nhĩ bằng cách nào?
Điều trị rung nhĩ thường có 2 mục tiêu chính là:
5.1 Dự phòng biến chứng do rung nhĩ gây ra
Vì rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não.
Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu.
5.2 Chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất
Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện, điều trị can thiệp triệt đốt rung nhĩ.
Đa số các trường hợp bị rung nhĩ mạn tính được dùng thuốc, nhằm mục đích kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất.
6. Lời khuyên cho bệnh nhân bị rung nhĩ
Để không gặp phải những biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ thì bệnh nhân nên:
6.1 Uống thuốc đều đặn
Hãy uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ (Nguồn: Internet)
Một điều quan trọng là bệnh nhân phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Khi bị rung nhĩ, bệnh nhân luôn có nguy cơ xuất hiện huyết khối trong buồng tim và có thể cục huyết khối này bắn đi gây tắc mạch. Đó là lý do vì sao người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày, không được coi nhẹ nguy cơ huyết khối và đột quỵ.
6.2 Lựa chọn lối sống lành mạnh
Người bệnh hãy hỏi bác sĩ làm thế nào để ăn uống một cách khoa học, chọn một môn thể thao yêu thích và vận động thể lực phù hợp, đều đặn.
6.3 Chia sẻ tình trạng bệnh cho người thân
Bệnh nhân bị rung nhĩ có thể cảm thấy mệt mỏi trong các sinh hoạt bình thường, khi đi du lịch hay khó tham gia các hoạt động tập thể. Do đó, người bệnh nên giải thích và chia sẻ với người thân, đồng nghiệp và bạn bè về tình trạng bệnh của mình để mọi người thấu hiểu và thông cảm.