Hở van hai lá có nguy hiểm không?

( VOH ) - Hở van hai lá sẽ làm giảm khả năng bơm máu của tim. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa thắc mắc 'hở van hai lá có nguy hiểm không'.

1. Hở van hai lá là gì?

Hở van 2 lá là tình trạng van 2 lá (một trong số các van tim) bị hở, gây ảnh hưởng đến sự di chuyển của dòng máu trong tim, cụ thể nó làm cho máu chảy từ tâm thất về tâm nhĩ trái trong thì tâm thu.

Van 2 lá nối liền tâm nhĩ trái và tâm thất trái, bình thường van 2 lá sẽ mở trong thì tâm trương để máu từ tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái và đóng lại trong thì tâm thu để ngăn không cho dòng máu đi ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ bên trái.

ho-van-hai-la-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Hình ảnh hở van hai lá (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu hở van tim hai lá

Hầu hết những người hở van hai lá đều không có triệu chứng rõ rệt, nhất là những người hở van tim hai lá mức độ nhẹ và vừa. Trên thực tế, nhiều người không biết mình bị hở van hai lá và sống bình thường trong nhiều năm.

Sau nhiều năm, người bệnh có thể có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi và khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm xuống.
  • Nghe tiếng âm thổi tại tim.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Đổ mồ hôi bàn chân hoặc khuỷu tay.

3. Hở van hai lá nhẹ có nguy hiểm không?

Hở van hai lá có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào mức độ mắc phải. Hở van hai lá gồm có các mức độ sau:

3.1 Hở van tim 2 lá 1/4 - mức độ nhẹ

Hở van tim hai lá 1/4 được coi là mức độ nhẹ nhất, nếu không có triệu chứng, được gọi là hở van sinh lý chưa cần phải điều trị. Nếu có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau ngực thì đó là hở van bệnh lý và cần dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng.

3.2 Hở van tim 2 lá 2/4 - mức độ trung bình

Ở mức độ này ít khi có chỉ định phải thay van, nhưng dễ chuyển biến sang mức độ nặng hơn. Đặc biệt khi hở van 2 lá 2/4 đi kèm hở van 3 lá, van động mạch chủ hoặc có kèm tăng huyết áp, bệnh mạch vành... thì sẽ nguy hiểm hơn, cần được điều trị kịp thời.

3.3 Hở van tim 2 lá 3/4 - mức độ nặng

Giai đoạn này các triệu chứng như khó thở, đau thắt ngực, đánh trống ngực, mệt mỏi, ho khan sẽ bùng phát cùng một lúc và người bệnh phải nhập viện thường xuyên hơn. Nhiều người bệnh hở van 2 lá 3⁄4 cần phải thay van tim.

3.4 Hở van tim 2 lá 4/4 - mức độ rất nặng

Đây là mức độ hở van nặng nhất, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy tim, rối loạn nhịp, phù phổi cấp và các cơn hen tim cấp tính. Trong trường hợp này người bệnh cần điều trị tích cực hoặc can thiệp thay van tim.

Phụ nữ bị bệnh hở van tim hai lá sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sinh nở. Thông thường, với các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, ít có các triệu chứng thì bệnh nhân sẽ thích nghi khá tốt với sinh đẻ. Nhưng ngược lại nếu ở mức độ nặng, có triệu chứng hoặc biến chứng thì rất có khả năng sẽ xuất hiện các biến chứng nặng khi sinh.

4. Biến chứng khi hở van hai lá

Hở van hai lá có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào biến chứng xảy ra. Các biến chứng của hở van tim hai lá có thể gồm:

ho-van-hai-la-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Hở van hai lá cũng gây biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

4.1 Suy tim

Hở van 2 lá khiến tim phải co bóp nhiều hơn để duy trì đủ máu đi nuôi cơ thể. Tình trạng này diễn ra lâu ngày làm cơ tim dày lên, buồng tim giãn và nhanh chóng dẫn đến suy tim.

4.2 Rung nhĩ gây ngừng tim

Rung nhĩ là một dạng của rối loạn nhịp tim cấp tính (tim đập nhanh bất thường và hỗn loạn). Rung nhĩ có thể tạo cục máu đông di trú lên não gây đột quỵ.

4.3 Tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi gây ra những cơn khó thở, đau ngực khiến người bệnh mất ngủ, thường phải ngồi dậy để thở. Biến chứng này có thể dẫn tới phù phổi cấp gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Đối với bệnh hở van hai lá mức độ vừa phải, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để ngăn ngừa biến chứng. Phương pháp phẫu thuật thay van hai lá có thể được tiến hành khi tình trạng hở van trở nên nghiêm trọng hoặc điều trị bằng thuốc không giúp giảm triệu chứng.

Lời khuyên: Khi được chẩn đoán hở van hai lá, người bệnh nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.