Do vậy mà yêu cầu thành lập 1 đơn vị về đột quỵ rất quan trọng, được Sở Y tế TPHCM đặt lên hàng đầu. Năm 2000, đơn vị điều trị đột quỵ nằm trong Khoa nội thần kinh BV Nhân dân 115 ra đời
Đến năm 2006, đơn vị này tách riêng và hình thành Khoa bệnh lý mạch máu não cho tới ngày nay. Suốt thời gian qua các y bác sĩ tại đây đã không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để ngày càng nhiều hơn các bệnh nhân được cứu sống, ngày càng nhiều hơn nữa bớt đi những di chứng nặng nề và để tên của Việt Nam được ghi bản đồ điều trị đột quỵ của khu vực và thế giới.
Gần 90% bệnh nhân đột quỵ được cứu sống. Trong đó, khoảng 50%-60% bệnh nhân có thể tự đi lại sau quá trình tập vật lý trị liệu. Đặc biệt, khoảng 20%-30% bệnh nhân có thể đi lại chỉ sau 2-3 ngày điều trị và đặc biệt là hiện nay cửa sổ vàng trong điều trị đột quỵ đã được mở rộng lên đến 24 giờ ở một số trường hợp. Không những vậy, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân đột quỵ cũng được rút ngắn từ 12 ngày vào năm 2006 xuống còn 4-5 ngày trong những năm gần đây. Việc rút ngắn thời gian nằm viện không chỉ làm giảm chi phí mà còn giảm thiểu tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong thời gian bệnh nhân nằm viện. Đây là những minh chứng thuyết phục về tính hiệu quả của quy trình điều trị đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ của BV Nhân dân 115 và kết quả này tương đương các nước có hệ thống y tế phát triển .
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM- Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não bệnh viện nhân dân 115 cho biết: “Có thể tự hào đây là nơi đầu tiên thành lập 1 mô hình đơn vị đột quỵ đúng nghĩa. Các bác sỹ trị đột quỵ tách biệt với các khoa khác, chuyên nghiệp hóa về kỹ năng, chăm sóc, tập trung cứu chữa bệnh nhân, điều này mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều,”
Không dừng lại ở đó tháng 4-2019, Trung tâm Đột quỵ thuộc bệnh viện nhân dân 115 được Hội Đột quỵ châu Âu trao “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng”. Đến cuối tháng 5-2020, Trung tâm Đột quỵ được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao giải “BV đầu tiên tại châu Á có trung tâm đột quỵ đạt chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng do Hội Đột quỵ châu Âu xác nhận”. Những kết quả này 1 lần nữa cho thấy những thành quả đạt được tại bệnh viện rất đáng tự hào và được thế giới công nhận và những người được hưởng lợi nhiều nhất vẫn chính là các bệnh nhân.Một số bệnh nhân và người nhà chia sẻ : “Quá trình điều trị ở bệnh viện rất hiệu qủa, sau ca mổ thì người bệnh có thể nhấc tay chân lên được, hồi phục nhanh chóng”
Quá trình cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ được ví như một cuộc chạy đua với thời gian. Có rất nhiều bệnh nhân để đến được những bệnh viện có thể điều trị được đột quỵ thì thời gian vàng đã qua. Do vậy để đảm bảo chất lượng trong điều trị, các chuyên gia đột quỵ của bệnh viện ND 115 đã nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ cho nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố với mục tiêu: bệnh nhân đột quỵ càng đến cơ sở y tế gần nhất, càng tận dụng được khoảng thời gian vàng. Tại TPHCM, hiện có 17 bệnh viện có thể tiếp nhận và can thiệp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.
Từ một đơn vị đột quỵ đầu tiên ở Bệnh viện Nhân dân 115, đến nay đã có gần 90 đơn vị trên cả nước. Từ con số 9 bệnh nhân vào năm 2006, nay đã lên đến 5.000 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch, vượt qua cửa tử đột quỵ…
Những bệnh nhân được cứu sống cứ nối dài ra, những bệnh nhân không còn di chứng vì đột quỵ ngày càng được nhân lên, mạng lưới điều trị đột quỵ ngày càng nhiều hơn nữa. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, nó làm chúng ta tự hào vì chúng ta đã làm được rất nhiều cho các bệnh nhân đột quỵ hiện nay
“Chữa đột quỵ tại Bệnh viện nhân dân 115” là đề cử tham gia giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam 2020.
Cập nhật thông tin chương trình tại: https://www.facebook.com/ThanhTuuYKhoaVietNam
Nghe trực tuyến tại: https://radio.voh.com.vn/thanh-tuu-y-khoa-821.html