Bệnh tự kỷ thường được biểu hiện với những khiếm khuyết về tương tác xã hội, người bệnh thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại.
Số liệu từ khoa Phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy số trẻ tự kỷ ngày một tăng cao và con số này vẫn không ngừng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên việc nhận biết triệu chứng bệnh ở trẻ để chăm sóc và điều trị bệnh tự kỷ vẫn chưa được quan tâm nhiều, dẫn đến việc thu hẹp khả năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ trong tương lai.
Làm cách nào để có thể đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng? Đây là một câu hỏi làm cho đội ngũ y bác sĩ tại Phòng khám đa khoa - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch suy nghĩ rất nhiều và sau rất nhiều những trăn trở và quyết tâm của đội ngũ y bác sỹ tại dây - Phương pháp sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, là sự kết hợp giữa giáo dục, y tế và gia đình hiện đang được Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện trong thời gian qua
Nhớ lại hành trình phát hiện và điều trị cho con mình cách đây nhiều năm, anh Hải Tân (quận 2) vẫn nhớ như in thời điểm con của anh lên 4 tuổi – cũng là lúc bé có những biểu hiện khác thường. Đó là khi bé chỉ chịu đọc sách và nói tiếng anh, rất khó khăn khi diễn đạt ngôn ngữ mẹ đẻ. Có lẽ, gia đình anh cũng là một trong số ít trường hợp cha mẹ mạnh dạn đối diện với những bất thường của con mình là “trẻ tự kỷ”, chấp nhận đối mặt và cùng con vượt qua những khó khăn. Anh chia sẻ: “Gia đình vẫn đang phải đồng hành cùng bé trên con đường trị liệu dù đã chấm dứt quá trình điều trị liên tục từ 3 năm trước. Cha mẹ phải thật sự dũng cảm chấp nhận đưa trẻ đi điều trị sớm vì thời điểm vàng tốt nhất là khi trẻ dưới 7 tuổi. Có những gia đình đã đưa con đi khám chữa bệnh khi bé mới 7 tháng tuổi, chưa biết nói, nhưng bằng sự quan tâm theo dõi họ đã sớm nhận ra điều bất thường ở trẻ. Đó là điều rất tốt.”
Đơn vị Âm ngữ trị liệu Phòng khám đa khoa của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai các hoạt động đào tạo từ năm 2010 và hoạt động điều trị từ năm 2018. Hiện đơn vị có 7 nhân sự cơ hữu trình độ từ đại học trở lên, cùng với các đội ngũ cố vấn, nhân sự thỉnh giảng. Có thể cảm nhận rõ nét khi thăm các lớp học, đó chính là sự nhẫn nại, sự ân cần của các cô đối với các bé. Cô Cao Phương Anh, chuyên viên Âm ngữ trị liệu hiện là Trưởng đơn vị Âm ngữ trị liệu của Phòng khám đa khoa, kể về công việc của mình “vai trò của những chuyên viên trị liệu ở đây rất bao quát, từ việc quan sát đánh giá các bé cho đến việc phối hợp với các chuyên viên phụ trách chuyên môn khác để đề ra lộ trình điều trị, cho đến việc giáo dục cha mẹ đồng hành cùng bé như thế nào, tất cả đều phải được thực hiện bằng cái tâm”.
Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, phụ trách phát triển chuyên môn âm ngữ trị liệu và tổ chức các hoạt động đào tạo và điều trị, chia sẻ về quy trình điều trị cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, “Tại phòng khám, các bé được trị liệu bài bản từ vấn đề sinh hoạt cá nhân, giao tiếp, kiến thức… với rất nhiều những cố vấn chuyên môn đến từ nhiều chuyên ngành nhi khoa, tuy nhiên việc điều trị cho trẻ có thành công hay không thì cha mẹ đóng một vai trò rất quan trọng, từ giai đoạn phát hiện, can thiệp điều trị cho đến quá trình chung sống lâu dài với trẻ sau này.”
Năm 2019, đơn vị Âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ được Special Olympic Việt Nam chọn Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, hỗ trợ về giao tiếp và cùng với đoàn Huấn luyện viên thể thao Việt Nam đưa 4 em tự kỷ và chậm phát triển đại diện cho Việt Nam đi thi đấu trên đấu trường toàn thế giới ở Dubai trong 2 tuần, sau khi các em này được xác nhận sức khỏe đủ điều kiện thi đấu bởi Phòng khám đa khoa – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Mục đích cuối cùng là giúp các em hòa nhập thể thao trên đấu trường quốc tế.