Gắp dị vật tồn tại suốt 7 năm trong đường hô hấp
Tối 19/2, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ vừa gắp dị vật nằm sâu trong phổi của bệnh nhân H.V.P. (sinh năm 1968, ở thôn 9, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông).
Trước đó, ngày 16/2, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân P. trong tình trạng đau ngực, ho ra máu. Các bác sĩ cho ông P. làm một số xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi kèm dị vật nằm sâu trong phổi.
Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, Khoa Ngoại tổng hợp phối hợp với Khoa Nội tiến hành nội soi khí phế quản, gắp dị vật kích thước 1x2cm, có răng cưa, kèm theo nhiều mủ đặc. Quá trình làm thủ thuật diễn ra an toàn. Bệnh nhân dễ chịu hơn và sức khỏe đang dần ổn định.
Ông P. cho biết, cách đây 7 năm, ông ăn canh cá ngừ thì bị sặc và cảm giác có dị vật xâm nhập vào cổ họng. Mặc dù đã đi khám nhiều cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn không tìm thấy dị vật.
2 trẻ nhập viện nghi ngộ độc Botulinum toxin
Tối 19/2, Sở Y tế TPHCM cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, sở nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin.
Theo đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 lần lượt tiếp nhận hai bệnh nhi vào ngày 6/2 và 7/2. Cả hai nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, đau đầu.
Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin. Vì vậy, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.
Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Tiêu hóa, bệnh nhi còn lại tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TPHCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Cứu sống bệnh nhân bị vỡ gan khi trên đường về quê đón Tết
Chiều 19/2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết các bác sĩ của BV vừa nỗ lực cứu sống bệnh nhân bị tai nạn giao thông vỡ gan 'thập tử nhất sinh', bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Trước đó, chiều mùng 8/2 (29 Tết), chị H.T.H (SN 1979, ngụ tỉnh Bạc Liêu) đi xe máy từ tỉnh Bình Dương về quê Bạc Liêu đón Tết. Khi đến địa phận tỉnh Sóc Trăng, chị tự ngã xuống đường, được người dân chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Các BS xử trí cấp cứu, phẫu thuật khâu gan, chèn gạc cầm máu sau đó chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng đặc biệt nguy kịch; bóp bóng nội khí quản; mạch nhanh, huyết áp thấp; niêm nhạt da xanh, đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao; sonde dẫn lưu ra trên 1.000 ml máu đỏ, đa thương...
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các BS xử trí sốc chấn thương truyền máu, truyền dịch chảy nhanh, thở máy… Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận, bệnh nhân chấn thương gan độ 3, 4 có ổ thoát mạch, tụ máu quanh gan và vùng hạ vị; gãy xương sườn 4, 5 bên phải; tràn dịch màng phổi phải.
Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực mạch máu tiến hành phẫu thuật dẫn lưu màng phổi 500ml máu loãng. Khoa Ngoại Tổng hợp phẫu thuật lấy gạc ổ bụng, xử trí tổn thương phối hợp. Quá trình cấp cứu, phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 15 đơn vị máu và chế phẩm của máu... Hiện bệnh nhân tỉnh, da niêm hồng, vết mổ khô, bụng mềm, dự kiến ra viện ngày 20/2.
Hàng ngàn người phải đi khám bệnh về da sau Tết
Chỉ trong 2 ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã tiếp nhận hơn 6.000 trường hợp đến khám các bệnh lý về da, bệnh lây truyền qua đường tình dục và thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa…
Lý giải số bệnh nhân bị các bệnh về da tăng sau Tết, BS.CKII Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho rằng, việc di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều không gian, môi trường khác nhau và chế độ ăn nhiều đồ ngọt, béo trong những ngày nghỉ Tết là nguyên nhân chính khiến các nhóm bệnh viêm da dị ứng bùng phát. Trải qua những ngày vui chơi trong Tết với nhiều hoạt động ngoài trời có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe làn da hay Tết cũng là dịp tiếp xúc dễ dàng, không được đi khám ngay nên các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng tăng cao.
“Trong những ngày tới, số bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ tiếp tăng, bởi Tết cũng là dịp có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, họ không thể khám ngay trong những ngày Tết”, bác sĩ Bùi Mạnh Hà thông tin thêm.
Các bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TPHCM khuyến cáo, người dân nếu thấy có dấu hiệu bất thường hoặc đã có sẵn các bệnh về da và tình trạng nặng hơn cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám và có hướng xử lý kịp thời, tránh bệnh nặng hơn.
Lượng người tiêm vaccine dại tăng cao sau Tết
Ngày 19/2, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, qua thống kê từ ngày 13/2 đến ngày 15/2 ( tức mùng 4 đến mùng 6 Tết) tại hơn 160 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC trên cả nước đã ghi nhận trên 3.000 người tiêm ngừa dại, tăng hơn 60% so với ngày thường.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, kỳ nghỉ Tết dài ngày, rất nhiều người từ các thành phố lớn đổ về quê ăn Tết. Trong khi đó, số lượng chó, mèo, vật nuôi thả rông tại nông thôn nhiều hơn so với thành thị khiến nhiều người bị chó, mèo, vật nuôi cắn, cào, liếm... gia tăng, số lượng người phơi nhiễm với dại tăng cao. Điều này khiến cho số lượt tiêm vaccine phòng dại sau Tết tăng cao.
Tại Việt Nam, thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh dại rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, rất có thể thời kỳ cao điểm của bệnh dại có thể đến sớm hơn và gia tăng nhanh chóng vào năm nay, thậm chí tăng nhiều hơn so với năm 2023, đặc biệt tăng mạnh vào những ngày đầu tiên của Xuân Giáp Thìn 2024.