Thiếu nữ 18 tuổi bị đột quỵ
Bệnh nhân nữ (18 tuổi, học lớp 12 tại một trường THPT ở Tây Nguyên) nhập Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) trong tình trạng tri giác trì trệ, rối loạn phát âm nặng, yếu nửa người trái. Quy trình báo động đột quỵ (code stroke) lập tức được kích hoạt.
Sau hàng loạt dữ liệu thu thập từ thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị đột quỵ nhồi máu não cấp vùng nhân bèo, bao trong phải giờ thứ 24. Nguyên nhân là tắc cấp tính động mạch não giữa phải bởi huyết khối xâm lấn từ túi phình động mạch não giữa phải.
Trường hợp nữ sinh này có kích thước túi phình là 23x18 mm, một túi phình rất lớn gần đạt tiêu chuẩn của một túi phình khổng lồ và cơ chế gây đột quỵ là thuyên tắc huyết khối tại chỗ.
May mắn, sau 10 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Nội thần kinh, bệnh nhân hồi phục tốt các triệu chứng, được xuất viện vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dù đã cảnh báo rất nhiều, song số lượng người bị ngộ độc rượu vẫn có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia của người dân gia tăng.
Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.
Khi bị ngộ độc rượu, trong khoảng 12 - 24 giờ sau khi uống, người uống thường cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng. Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Đặc biệt, người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Gánh nặng ung thư toàn cầu ngày một tăng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới với khoảng 20 triệu ca mới mắc và gần 10 triệu người tử vong hằng năm. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng lên trong nhiều năm tiếp theo.
Tuy nhiên, hơn 40% số ca tử vong liên quan đến ung thư có thể phòng ngừa bằng cách giảm với các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, béo phì, lười vận động, rượu bia, nhiễm trùng, ô nhiễm môi trường, ánh nắng mặt trời, chất gây ung thư nghề nghiệp và bức xạ. Bên cạnh đó, một số bệnh ung thư như ung thư gan và ung thư cổ tử cung cũng có thể dự phòng hiệu quả thông qua việc tiêm vaccine chống lại virus viêm gan B và HPV.
Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Ung thư được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 hằng năm do Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) dẫn đầu nhằm cách nâng cao nhận thức, dự phòng, phát hiện sớm, điều trị tốt hơn bệnh ung thư. Đồng thời, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh ung thư công bằng cho tất cả mọi người và hợp tác với các chính phủ để hành động.
Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Ung thư năm nay có chủ đề: "Thu hẹp khoảng cách chăm sóc". Chiến dịch này được thực hiện trong 3 năm (2022 - 2024) nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự thiếu công bằng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư và giải thích những rào cản còn tồn tại đối với nhiều người trong việc tiếp cận các dịch vụ và nhận được sự chăm sóc mà họ cần. Mọi người đều xứng đáng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng bất kể họ là ai. Qua đó kêu gọi mọi người dân tham gia định kỳ khám sàng lọc, xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm chi phí, khả năng tử vong do ung thư.
Lào phát hiện dịch cúm gia cầm H5N1
Mới đây, Cục Chăn nuôi và Thủy sản, Bộ Nông Lâm Lào cho biết, nước này đã phát hiện dịch cúm gia cầm chủng H5N1 ở một chợ ở thủ đô Viêng Chăn.
Trung tâm nghiên cứu bệnh động vật của Lào thông báo đã tiếp nhận 65 mẫu bệnh phẩm từ gà và vịt ở chợ Danxang, quận Saythani, thủ đô Viêng Chăn, trong đó có 30 mẫu từ gà, 30 mẫu từ vịt và 5 mẫu từ môi trường. Qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR đã phát hiện 30 mẫu bị nhiễm dịch cúm H5N1 và để xác nhận thêm, cơ quan này đã thu thập thêm thông tin trên một số động vật bị mắc bệnh và đã lấy thêm 11 mẫu, qua xét nghiệm đã phát hiện chủng H5N1 ở 5 mẫu và H9N2 ở 5 mẫu.
Trước tình hình trên, Sở Nông Lâm thủ đô Viêng Chăn đã chỉ đạo ngành chăn nuôi phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra nguyên nhân dịch bệnh, thu thập thông tin, khoanh vùng dịch; đồng thời cấm vận chuyển gia cầm, thực hiện tiêu hủy các gia cầm bị mắc bệnh hoặc có nguy cơ lây nhiễm cần phải được khoanh vùng; tuyên truyền hướng dẫn chủ vật nuôi và người dân vệ sinh phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột lên chuồng và khu vực xung quanh...