Bảo vệ sức khỏe trước hiện tượng sương mù dày đặc
Ngày 2/2, tại buổi họp báo của Bộ Y tế cung cấp thông tin về tình hình y tế quý 1/2024, trả lời câu hỏi về hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng cùng ngày ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sương mù là hiện tượng tự nhiên, không phải do ô nhiễm môi trường. Vào mùa đông - xuân, sương mù thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để giảm thiểu những tác hại của hiện tượng sương mù dày đặc, theo TS Nguyễn Trọng Khoa, người dân cần phải có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, như: hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng, nhất là các đối tượng trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai.
Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao. Khi di chuyển ngoài đường nên sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương; không tập luyện thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sớm khi có sương mù dày đặc; cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm.
Gắp thành công dị vật trong đường tiêu hóa trẻ 2 tuổi
Bệnh nhân T.N.G.Đ, 2 tuổi ở tổ dân phố Gò Dép, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà, Quảng Ngãi) được người nhà đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh lúc 12 giờ 30 ngày 2/2. Theo người nhà kể lại, lúc 8 giờ sáng cùng ngày, khi chơi cùng ông đang làm việc trong nhà với đinh, ốc, vít, bệnh nhân nuốt một cái đinh. Sau đó, trẻ ho, khóc và được người nhà đưa đến bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang, phát hiện có dị vật đinh sắt. Trẻ được nhịn ăn, truyền dịch. Các bác sĩ thực hiện nội soi đường tiêu hóa có gây mê, khi nội soi đến tá tràng có dị vật, bác sĩ đã gắp ra dị vật đinh sắt dài 2,5cm qua nội soi bằng kìm và thòng lọng. Sau nội soi, gắp dị vật, trẻ tỉnh táo, hiện đã ăn uống được.
Theo các khuyến cáo của bác sĩ, trẻ nhỏ thường vô tình nuốt phải các dị vật nhỏ. Do đó, người nhà cần chủ động phòng tránh, ngăn chặn trẻ cầm, nắm các vật nhỏ. Khi phát hiện trẻ không may nuốt phải dị vật, cần đưa trẻ sớm đến bệnh viện để được can thiệp, xử lý phù hợp.
Can thiệp lấy huyết khối thành công ca đột quỵ não cấp phức tạp
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa điều trị thành công một bệnh nhân đột quỵ não cấp do tắc động mạch não giữa trái.
Bệnh nhân nữ 58 tuổi ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 3 có điểm khiếm khuyết thần kinh cao.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng hoàn thành các xét nghiệm, xác định người bệnh bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa trái và đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang phòng Can thiệp mạch não cấp cứu.
Sau 1 giờ, người bệnh đã được can thiệp lấy huyết khối thành công, tái thông hoàn toàn động mạch não giữa trái, các dấu hiệu khiếm khuyết thần kinh cải thiện nhiều.
Bé trai 14 tháng tuổi nguy kịch do uống dầu hỏa
Ngày 2/2, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên thông tin về trường hợp một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ngụ Kim Động, Hưng Yên) nhập viện do uống nhầm dầu hỏa.
3 ngày trước, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, nguy kịch. Các bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ hô hấp bằng máy áp lực cao cho bệnh nhi kết hợp dùng kháng sinh phổ rộng. Hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo bác sĩ Hà Thị Phượng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên, ngộ độc do uống nhầm hóa chất rất dễ xảy ra ở trẻ em. Các trường hợp uống dầu hỏa, xăng có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ hít phải hơi độc của hóa chất.
Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo khi trẻ đã uống dầu hỏa, xăng, người lớn không được móc họng gây nôn. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời”, bác sĩ Phượng khuyên.
Cấp cứu người ngừng tim, ngừng thở do ăn lá ngón
Ngày 2/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa cấp cứu cho một bệnh nhân 66 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) bị ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón.
Ban đầu, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu rửa dạ dày, bơm than hoạt tính. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân có tình trạng ngừng tim, ngừng thở, được khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ đã phối hợp các biện pháp điều trị, hồi sức tích cực, tiếp tục dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố, thở máy hỗ trợ hô hấp, duy trì thuốc vận mạch đảm bảo chức năng tuần hoàn. Cạnh đó đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, theo dõi huyết áp động mạch liên tục.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, hô hấp đảm bảo, huyết áp ổn định, ngừng thở máy và rút ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi điều trị tại bệnh viện.