Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ | Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm

VOH - Người đàn ông 2 lần thoát cửa tử nhờ 30 ống thuốc trợ tim; Em bé được thông tim trong bào thai chào đời khỏe mạnh; Lào Cai ghi nhận hàng loạt ca mắc viêm não virus… là các tin nổi bật khác.

Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm

Ngày 29/1, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin vừa cứu sống được ba bệnh nhi (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trong gang tấc.

Bé trai 5 tuổi cùng hai chị gái 8 tuổi và 13 tuổi đã uống nhầm thuốc chống trầm cảm Amitriptyline của người lớn trong nhà. Ba bé được nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị suy hô hấp, co giật, hôn mê, rất nguy kịch.

Tuy nhiên, cả ba bệnh nhi đều trong tình trạng nặng, có xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim. Ba bệnh nhi được điều trị tích cực, thở máy. Đặc biệt, riêng bé trai có xuất hiện rối loạn nhịp rung thất, phải tiến hành sốc điện chuyển nhịp nhiều lần.

Cả ba bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính ngay tại khoa Cấp cứu và cả khi đã được chuyển sang khoa Hồi sức Tích cực Chống độc để tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng hai bé gái tốt lên, được cai máy thở, không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo. Riêng bé trai, sau 9 ngày điều trị, tình trạng mới được cải thiện. Hiện, cả ba bệnh nhi đều đã được ra viện.

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 1
Bệnh nhi uống nhầm thuốc chống trầm cảm được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC

Người đàn ông 2 lần thoát cửa tử nhờ 30 ống thuốc trợ tim

Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân là ông L.C.S (65 tuổi) với 2 đợt ngưng tim ngưng thở, đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do nhồi máu cơ tim cấp. 

Sáng ngày 17/1, khi đang xem tivi, ông S. bất ngờ tím tái, có dấu hiệu ngưng thở. Gia đình đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mê sâu, xác định ngưng tim ngưng thở ngoại viện. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, xoa bóp tim, dùng khoảng 10 ống "thuốc hồi dương" (thuốc trợ tim adrenaline). Nửa tiếng sau, ông S. có mạch và huyết áp trở lại.

Bất ngờ, bệnh nhân lại rơi vào ngưng tim lần 2 sau khoảng 10 phút. Ê-kíp tiếp tục tiến hành tiêm thêm 20 ống adrenaline, xoa bóp tim, sốc điện, dùng thuốc vận mạch, nỗ lực cứu người bệnh thoát cơn nguy kịch.

Các bác sĩ chẩn đoán ông S. bị nhồi máu cơ tim cấp. Ca can thiệp đặt 2 stent mạch vành cho người bệnh diễn ra suôn sẻ vào chiều cùng ngày. Ông S. tiếp tục được theo dõi sát sao, thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực, được rút nội khí quản và cai vận mạch sau 3 ngày. Đến ngày 29/1, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không di chứng.

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 2
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được đặt 2 stent tại Bệnh viện Trưng Vương. Ảnh: BVCC

Bé trai 12 tuổi đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ

Ngày 30/1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận thêm một trường hợp đa chấn thương nặng, vỡ nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái do chơi pháo phát nổ.

Khoảng 23h ngày 28/1, bệnh nhân Đ.H.P. (SN 2012, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương rất nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn viện, xác định đa tổn thương do pháo nổ, xây xát bỏng da toàn thân.

Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa bệnh viện phối hợp súc rửa vết thương lấy ra nhiều dị vật, phẫu thuật vết thương bàn tay, vết thương vùng bẹn đùi, cắt bỏ ruột non vỡ và thủng, khâu trực tràng, khâu bàng quang, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng.

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 3
Bác sĩ đang đang điều trị cho bệnh nhân P. Ảnh: BVCC

Em bé đầu tiên được thông tim trong bào thai chào đời khỏe mạnh

Sáng 30/1, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ TPHCM đã quyết định chấm dứt thai kỳ, tiến hành mổ đẻ cho thai phụ có thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh đã được các bác sĩ hai bệnh viện tiến hành can thiệp tim mạch trong bào thai cách đây gần 1 tháng.

Đây là trường hợp can thiệp tim mạch trong bào thai đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sau khi tiến hành can thiệp nong động mạch phổi cho bào thai của thai phụ L. vào ngày 4/1, đến ngày 30/1, các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ khi thai nhi được 37 tuần 4 ngày. Lúc 9 giờ 17 phút ngày 30/1, thai phụ đã sinh mổ thành công, một bé trai cân nặng 2,9 kg khỏe mạnh, hồng hào chào đời trong niềm vui của êkíp y bác sĩ và gia đình sản phụ.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đánh giá đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam một thai nhi mắc tim bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải được sinh ra trong tình trạng khỏe mạnh, không phải can thiệp cấp cứu ngay sau sinh. Thông thường, thai nhi mắc loại dị tật tim này sẽ bị tím tái ngay sau sinh, phải hỗ trợ hô hấp và can thiệp tim mạch khẩn cấp ngay sau sinh nhưng nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện em bé tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 4
Em bé được can thiệp tim bẩm sinh từ trong bào thai chào đời khỏe mạnh. Ảnh: TTXVN

Lào Cai ghi nhận hàng loạt ca mắc viêm não virus ở trẻ em

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, tại Lào Cai đã ghi nhận hàng loạt ca mắc viêm não virus, trong khi thông thường phải tới tháng 7, tháng 8 mới xuất hiện.

Theo Thạc sĩ Mai Đại Thành – Trưởng khoa truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, điều bất thường là các ca mắc viêm não virus ở trẻ năm nay ghi nhận sớm hơn tới nửa năm, vì hiện không phải mùa muỗi phát triển mạnh, và tuổi mắc cũng rất sớm; "Trước khi được tiêm phòng như tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì các bệnh nhân đã mắc rồi. Nhưng cũng có thể thấy các trường hợp bị đều trong vùng có nguy cơ, đó là những địa phương trong năm 2022, 2023 từng ghi nhận các ca mắc như Mường Khương, Bát Xát".

Ngay khi ghi nhận có ca mắc, cơ quan y tế địa phương đã tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp; đồng thời khuyến cáo, viêm não virus là một loại bệnh nguy hiểm, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tỷ lệ tử vong cao. Đối tượng nguy cơ mắc cao là trẻ em dưới 15 tuổi. Để phòng bệnh, cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; đồng thời, tăng cường vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, diệt loăng quăng ngăn bùng phát dịch.

WHO kêu gọi các nước mạnh tay hơn với chất béo chuyển hóa gây hại

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/1 cho biết gần một nửa dân số thế giới đã được hưởng lợi từ các quy định nghiêm ngặt về hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm. WHO kêu gọi các quốc gia chưa thực hiện theo đuổi nỗ lực này.

Năm 2018, WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới vào năm 2023, do có nhiều bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Mục tiêu này không đạt được và được lùi lại đến năm 2025.

Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 53 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, đang thực hiện các chính sách tối ưu để hạn chế chất béo độc hại này, tăng từ 11 quốc gia và tỷ lệ 6% vào năm 2018. WHO ước tính khoảng 183.000 người được cứu sống mỗi năm nhờ các chính sách này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh chất béo chuyển hóa mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người. Ông ca ngợi nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tham gia và tăng cường đối thoại với ngành công nghiệp thực phẩm.

Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 5
WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp. Ảnh: AP
Nhịp Sống Khỏe 31/1: Đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ |  Ba bệnh nhi nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm 6
 Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”