Bệnh nhi 12 tuổi hôn mê do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
Bé gái T.G, sinh năm 2012, địa chỉ tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, có tiền sử đái tháo đường type I nhưng không tuân thủ điều trị. Trước vào viện 2 ngày, bé G. bỗng có biểu hiện mệt mỏi, khát nước, nôn nhiều và đau bụng, tuy nhiên gia đình không đưa con đi khám, không điều trị.
Sáng 18/1, trẻ xuất hiện tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, gia đình đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, thở nhanh, mất nước. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định vào Khoa Hồi sức tích cực Nhi.
Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, bác sĩ nhận định trường hợp này bị hôn mê nhiễm toan ceton trên bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ điều trị với nồng độ đường máu cao. Bệnh nhân được xử trí kịp thời bằng các biện pháp tích cực: truyền dịch qua tĩnh mạch trung tâm, duy trì insulin tĩnh mạch và điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã dần cải thiện, tỉnh táo hơn, ăn uống được, đường huyết được điều chỉnh bằng insulin tiêm dưới da với phác đồ ngày 4 mũi.
Hơn 100 quốc gia tham gia Ngày Thế giới về gây tê vùng và giảm đau
Ngày Thế giới về gây tê vùng và giảm đau lần thứ nhất nhận được sự hưởng ứng tham gia của các bệnh viện, các cơ sở y tế, các chuyên gia trong lĩnh vực gây tê và giảm đau đến từ 100 quốc gia trên thế giới. Các đại biểu tham dự với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Việt Nam chương trình được tổ chức trực tuyến qua zoom và trực tiếp tại 4 điểm cầu: BV FV Hồ Chí Minh, BV Đà Nẵng, BV T.Ư Thái Nguyên, Bệnh viện E với 17 báo cáo khoa học.
Hội Gây mê hồi sức Việt Nam khẳng định ý nghĩa và mục tiêu của Ngày Thế giới về gây tê vùng và giảm đau lần thứ nhất, được tổ chức tại Việt Nam, là diễn đàn để các bác sĩ nói chung và bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm và học tập nâng cao tay nghề nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh… Đặc biệt, thông qua chương trình giúp cộng đồng hiểu rõ về vai trò của công nghệ cũng phương pháp gây tê vùng và giảm đau trên thế giới đến với cộng đồng.
Vắc xin vẫn là công cụ hiệu quả giúp kiểm soát COVID-19
Ngày 27/1, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, biến thể JN.1 được báo cáo lần đầu vào tháng 8/2023 và là nhánh trực tiếp của BA.2.86.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, biến thể JN.1 vẫn kế thừa các đặc điểm của BA.2.86, có thể ái lực hơn với tế bào đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, khi đánh giá, xem xét toàn diện trên tình hình diễn tiến bệnh dịch thực tế trong thời gian qua, các nhà khoa học nhận thấy biến thể JN.1 chưa có khác biệt lớn về lâm sàng, miễn dịch, chẩn đoán phát hiện so với các biến thể trước đây và tiếp tục được theo dõi. Vắc xin hiện nay vẫn là công cụ hiệu quả giúp kiểm soát bệnh COVID-19 và vẫn bảo vệ người được tiêm trước tình trạng chuyển nặng.
Theo đó, các đối tượng chưa tiêm hay tiêm chưa đủ mũi, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (bệnh nền, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai…) nên đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Cứu sống sản phụ bị tiền sản giật nặng và thai nhi sinh non
Sản phụ N.T.T (31 tuổi) điều trị hiếm muộn thành công và theo dõi thai kỳ ở một phòng khám tư nhân, có tiền sử cao huyết áp trước khi có thai. Đến tuần 24 phát hiện cao huyết áp mạn tính kèm tiền sản giật, chị chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM điều trị.
Ngoài ra, chị còn gặp tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng gấp ba lần so với bình thường, thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Chị được chẩn đoán tiền sản giật nặng nguy cơ đe dọa tính mạng. Bác sĩ đề nghị chấm dứt thai kỳ sau hai tuần nỗ lực dưỡng thai. Tuy nhiên, sau nhiều năm hiếm muộn mới có được mụn con, chị từ chối chỉ định này, xin về nhà và tái khám ngoại trú, hy vọng kéo dài sự sống cho bào thai trong cơ thể mẹ.
Sau đó, sản phụ được gia đình đưa trở lại bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong cả mẹ và thai. Bệnh viện kích hoạt báo động, đẩy bệnh nhân từ khu cấp cứu lên phòng mổ khẩn. Em bé vượt qua nguy kịch được đưa về Trung tâm Sơ sinh nuôi trong lồng ấp, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và ánh sáng phù hợp như trong tử cung mẹ. Bé được thở áp lực dương liên tục (CPAP) đường thở thông thoáng, hô hấp nhẹ nhàng thay vì máy thở kéo dài có thể gây hại cho phổi.
Bé trai bị chó cắn tổn thương nghiêm trọng vùng mặt
Ngày 27-1, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin vừa tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi bị chó cắn, tổn thương nghiêm trọng vùng mặt. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý, tiêm vắc xin phòng bệnh dại, gây mê cho bé để làm thủ thuật khâu vết thương.
Bệnh viện cho biết, hiện tình trạng bệnh nhi ổn định, đang tiếp tục được theo dõi, tuy nhiên với vết thương nặng trên mặt, có thể sẽ mất nhiều ngày để hồi phục.
Mỗi năm, hệ thống y tế Hùng Vương tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn. Rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn là do vật nuôi trong nhà hoặc của nhà hàng xóm. Trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ.
Các bác sĩ lưu ý, dịp tết Nguyên đán 2024 đang cận kề, những gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý, quan tâm để trẻ chơi trong khu vực an toàn, tránh xa các vật nuôi có thể gây tổn thương cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị chó, mèo cắn, cào, cần đi chích ngừa kịp thời, đầy đủ.
Truyền hình trực tiếp qua Singapore ca can thiệp tim phức tạp
GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, cho biết ca can thiệp được thực hiện chiều 26-1 là một trường hợp bị động mạch vành phức tạp.
Bệnh nhân nữ, 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và chỉ còn một thận. Các bác sĩ nhận định đây là một ca khó, nguy cơ cao, nhiều bệnh lý đi kèm, tổn thương động mạch vành rất phức tạp với nhiều chỗ hẹp, vôi hóa toàn bộ cả 3 nhánh động mạch vành kèm tổn thương thân chung động mạch vành trái.
"Với tổn thương nghiêm trọng này, trước đây, buộc phải mổ mở mới. Nhưng bệnh nhân có nhiều bệnh nền, mổ mở nguy cơ rất lớn. Vì thế, các bác sĩ quyết định lựa chọn biện pháp can thiệp nong và đặt stent cho người bệnh"- GS Hùng thông tin.
Ca can thiệp được trình chiếu trực tiếp chiều 26-1 đến Hội nghị tim mạch can thiệp 2024 (từ 25 đến 27-1), tại Singapore. Các bác sĩ can thiệp trực tiếp vào tổn thương hẹp rất nặng của bệnh nhân.
Thành công của ca can thiệp phức tạp được thực hiện trong 1 giờ đã được các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn và sự hội nhập toàn diện của các bác sĩ Việt Nam.