Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 26/1: Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết | Tử vong do nhiễm liên cầu lợn

VOH - Nhiều bệnh viện quá tải vì thời tiết rét đậm, rét hại; Phát hiện mắc ung thư da hắc tố từ hiện tượng lở ngón chân; Đột phá trong nghiên cứu phát hiện ung thư ruột… là các tin nổi bật khác.

Người đàn ông 50 tuổi tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân là ông T.V.H. (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, ông H. mổ heo, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan ít ngày, ông H. thấy đau mỏi người, tiêu chảy, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Sau đó, bệnh nhân H. được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mặc dù đã được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân H. đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng.

Nhịp Sống Khỏe 26/1: Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết | Tử vong do nhiễm liên cầu lợn 1
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có nguy cơ tử vong cao. Ảnh: SGGP

Nhiều bệnh viện quá tải vì thời tiết rét đậm, rét hại

Gần 1 tuần nay, khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, tăng huyết áp, xương khớp, tim mạch và mắc các đường hô hấp tăng cao. 

Trong những ngày rét đậm, rét hại, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường; Gia tăng bệnh nhân cũng là tình trạng chung tại các khoa Nhi, Đột quỵ, Hô hấp Lão khoa ở những bệnh viện khác như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, bệnh viện E…

Theo các bác sĩ, trong những ngày tới, thời tiết vẫn rét đậm, rét hại, nguy cơ quá tải bệnh nhân sẽ rất cao. Người già, trẻ nhỏ là những độ tuổi có sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bởi thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển. Với thời tiết này, người cao tuổi gặp những vấn đề về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ hay cơ xương khớp, còn các bệnh nhi dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV…

Chuyên gia khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, trẻ nhỏ và người cao tuổi cần phải được quan tâm, chú ý đến sức khỏe nhiều hơn. Cần hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm hay tối muộn; Phải luôn giữ ấm cho cơ thể, nếu có dấu hiệu gì bất thường thì nên đi khám sớm, không được để quá nặng thì mới đi khám, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và sẽ khiến cơ thể lâu phục hồi; Trong quá trình điều trị, phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

HCDC cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố vào chiều ngày 25/1, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã đưa ra cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Hiện nay WHO đang theo dõi 5 biến thể của Covid -19 cần quan tâm gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã phát hiện tại TPHCM.

Tuy nhiên, bà Nga khẳng định, "Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác. Nhìn chung, khi mắc COVID-19, các triệu chứng có xu hướng giống nhau giữa các biến thể. Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19 thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của chúng ta".

Trong bối cảnh Tết nguyên đán cận kề, việc giao lưu, đi lại sẽ đẩy mạnh, nguy cơ gia tăng số ca mắc và nhập viện do COVID-19 là hiện hữu. Không chỉ COVID-19, những bệnh lây qua đường hô hấp cũng có khả năng tăng cao. Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai… cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ. Người dân không nên chủ quan, lơ là, nên đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp.

Nhịp Sống Khỏe 26/1: Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết | Tử vong do nhiễm liên cầu lợn 2
HCDC cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh dịp cận Tết. Ảnh: SKĐS

Phát hiện mắc ung thư da hắc tố từ hiện tượng lở ngón chân

Bệnh nhân là bà L.T.P. (SN 1956, quê ở Thanh Hoá), nhập viện tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng ngón một chân phải có mảng màu đen, loét, rỉ dịch và chảy máu, đau nhẹ. 

Theo lời bệnh nhân, khoảng 2 năm nay xuất hiện tổn thương màu đen vùng móng – da ngón một chân phải, theo thời gian tổn thương màu đen tăng dần về kích thước, không đau và sần sùi, loét rỉ dịch. Bệnh nhân đã khám và điều trị tại nhiều nơi nhưng vẫn không đỡ.

Sau quá trình khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố. TS.BS. Nguyễn Hữu Quang - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, ung thư tế bào hắc tố là một trong loại ung thư ác tính nhất vì tiến triển nhanh, di căn xa. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì kết quả điều trị khỏi.

Dấu hiệu nhận biết ung thư tế bào hắc tố là các tổn thương màu đen với kích thước > 6mm, tiến triển về kích thước, không đồng nhất về màu sắc bất kỳ vị trí nào da và niêm mạc, nhưng đối ở người Việt Nam thường xuất hiện tại các vị trí đầu cực như bàn, ngón chân.

Nhịp Sống Khỏe 26/1: Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết | Tử vong do nhiễm liên cầu lợn 3
Ngón chân bệnh nhân bị có mảng màu đen, loét, rỉ dịch và chảy máu do ung thư tế bào hắc tố

Đột phá trong nghiên cứu phát hiện ung thư ruột

Hiện nay, ung thư ruột chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT), nhằm tìm kiếm dấu vết máu không nhìn thấy bằng mắt thường trong mẫu phân. Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 24/1, một nhóm nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Australia, Đại học Adelaide và các đối tác tại Đại học Columbia ở Mỹ đã phát hiện ra cách điều chỉnh một loại vi khuẩn sinh học để giúp phát hiện sớm các khối u ung thư ruột. Loại vi khuẩn sinh học Escherichia coli Nissle, được bác sĩ người Đức Alfred Nissle phát hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và đã được sử dụng để điều trị rối loạn đường ruột.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học Australia dẫn đầu đã phát hiện ra rằng khi vi khuẩn sinh học Escherichia coli Nissle hiện diện trong ruột, chúng thích sống trong các tổn thương vốn là tiền thân của ung thư ruột và các khối u ung thư ruột. Vì vậy, nhóm đã điều chỉnh vi khuẩn để chúng có thể giải phóng các phân tử làm dấu hiệu nhận biết các bệnh ung thư giai đoạn đầu.

Susan Woods, tác giả nghiên cứu chính, cho biết đột phá này có thể giúp chẩn đoán ung thư ruột sớm hơn và mà không cần biện pháp xâm lấn. Khi xác định được vị trí khối u, vi khuẩn sẽ tiết ra chất làm dấu hiệu nhận biết và chất này có thể được phát hiện trong nước tiểu. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hướng tới việc có thể phát hiện dấu hiệu này trong xét nghiệm máu.

Nhịp Sống Khỏe 26/1: Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong Tết | Tử vong do nhiễm liên cầu lợn 4
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”