Bệnh nhân phải thực hiện nội soi tìm dị vật vì nhầm kết quả X-quang
Ngày 21/2, lãnh đạo Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng xác nhận đã xảy ra vụ trả nhầm kết quả chụp X-quang cho ông N.H.H (ngụ xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).
Cách đây 17 năm, ông này từng trải qua cuộc phẫu thuật lấy sỏi thận nhưng gần đây bệnh tình tái phát. Sáng 20/2, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng yêu cầu ông H. đi chụp X-quang. Sau khi nhận kết quả, bác sĩ thông báo trong bụng ông H. có 1 sợi dây ống và tư vấn làm thủ thuật nội soi để lấy sợi dây này ra.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành nội soi, ê-kíp thực hiện không tìm thấy đoạn ống nhựa như phim X-quang thể hiện. Lúc này, bộ phận chức năng tiến hành rà soát phát hiện người của bệnh viện đã đưa nhầm kết quả chụp X-quang của một bệnh nhân khác cho ông H..
Trước tình trạng trên, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã họp các phòng ban liên quan để làm rõ sai sót; đồng thời liên lạc với gia đình ông H. để gửi lời xin lỗi, cũng như cam kết hoàn trả viện phí, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân…
Hà Nội ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc liên cầu lợn là người đàn ông 67 tuổi, nghề nghiệp bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ). Đây là ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024.
Trước khi nhập viện hai ngày, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng, sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Bệnh nhân được xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).
Liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Bệnh lây nhiễm sang người qua tiếp xúc với vết thương hở trên da, ăn đồ tái sống... Hiện nay, các ca mắc căn bệnh nguy hiểm này đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.
Cứu sống người đàn ông bị kéo đâm xuyên cổ
Bệnh nhân nam tên L.V.H. (sinh năm 1980), địa chỉ ở tỉnh Sóc Trăng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 19/2 trong tình trạng vết thương vùng cổ còn dị vật là chiếc kéo kim loại dài 24 cm, kèm vết thương thấu bụng 2cm.
Kết quả X-Quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống.
Theo trình tự các bác sỹ nội soi thực quản bằng ống nội soi thấy không có tổn thương dọc theo ống thực quản qua vị trí kéo đâm xuyên từ trước vào thân sống ngực. Ekip chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tiến hành bóc tách, thấy đầu kéo nằm sát động mạch cảnh bên trái đâm xuyên vào giữa thân đốt sống ngực, đến màng cứng, tổn thương màng cứng, rỉ ít dịch não tủy. Vết thương được các bác sỹ xử lý vi phẫu, kéo dài 2 giờ 30 phút.
Tiếp sau đó, ê kip Khoa Ngoại Tổng hợp thực hiện phẫu thuật mở bụng kiểm tra các cơ quan không tổn thương, lau rửa ổ bụng, tình trạng bệnh nhân ổn định được chuyển hậu phẫu theo dõi và chăm sóc ngoại khoa. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.
Dịch sốt xuất huyết có xu hướng lây lan rộng tại Lào
Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia Lào cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại nước này vẫn tiếp tục gia tăng hàng ngày. Tính từ đầu tháng 1/2024 đến nay, cả nước có 1.053 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Dù đã bước vào mùa khô, nhưng Lào vẫn ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong tổng số 1.053 ca mắc trên cả nước, tỉnh Sekong có nhiều bệnh nhân nhất với 296 ca, tiếp đến là tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Luang Namtha và nhiều tỉnh, thành khác.
Trước tình hình trên, giới chức y tế Lào yêu cầu mọi người dân cần tập trung thu gom và xử lý các vật liệu phế thải, các đồ vật đọng nước xung quanh nhà...; đồng thời tiến hành các biện pháp phòng ngừa bệnh cũng như giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi và phát quang bụi rậm thường xuyên để hạn chế môi trường sinh sản của muỗi.
300 người nghi bị ngộ độc thực phẩm tại miền Tây Ấn Độ
Ngày 21/2, giới chức Ấn Độ cho biết khoảng 300 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, có triệu chứng bất thường sau khi ăn đồ ăn tại một sự kiện tôn giáo tại bang Maharashtra, miền Tây nước này.
Sự việc xảy ra tối 20/2 vào dịp một sự kiện của người theo đạo Hindu kéo dài 1 tuần tại làng Somthana, huyện Buldhana, cách thủ phủ Mumbai của bang Maharashtra 486 km về phía Đông Bắc.
Theo nhà chức trách, hàng chục người thông báo gặp phải các triệu chứng nôn, tiêu chảy, khó chịu, sau đó họ đã được đưa đến một cơ sở y tế để thăm khám. Tuy nhiên, do bệnh viện chật hẹp và thiếu giường, nhiều bệnh nhân được điều trị ở không gian bên ngoài tòa nhà của bệnh viện.
Một quan chức địa phương cho biết đa số bệnh nhân đã xuất viện và những người còn lại đang được theo dõi tại nhiều bệnh viện khác nhau. Nguyên nhân khiến nhiều người gặp tình trạng trên được cho là ngộ độc thực phẩm.