Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 28/2: Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi | Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch

VOH - Bệnh viện Trung ương Huế có máy xạ trị gia tốc 160 lá; Cà Mau ghi nhận trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ; WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi cuối năm 2024… là các tin nổi bật khác.

Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi

Cột sống cong vẹo hình con rắn khiến bé gái 13 tuổi đi lại, sinh hoạt khó khăn được các bác sĩ BV Bạch Mai (Hà Nội) nắn chỉnh thành công trong ca mổ xuyên đêm.

Bệnh nhân bị vẹo cột sống ngực thắt lưng vô căn. Càng lớn, phần cột sống của em càng cong vẹo, biến dạng khiến sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn, lưng liên tục đau mỏi. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định mổ nắn chỉnh cột sống để không gây biến chứng ở các cơ quan khác.

Sau khi gây mê, sát trùng, các bác sỹ bộc lộ vùng mổ tại phần lưng người bệnh, bắt vít qua cuống thân đốt sống ngực của bệnh nhân. Ê-kíp phẫu thuật đặt hai thanh giằng cố định cột sống hai bên để nắn chỉnh tối đa tình trạng vẹo cột sống vùng ngực và thắt lưng rồi ghép xương tự thân, xương nhân tạo cho người bệnh.

Sau nhiều giờ, ca phẫu thuật hoàn tất, bác sỹ khâu tạo hình vết mổ. Bệnh nhân nằm lại phòng hậu phẫu theo dõi trước khi chuyển xuống phòng hồi sức. 

Nhịp Sống Khỏe 28/2: Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi | Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch 1
Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi. Ảnh: VTC

Bệnh viện Trung ương Huế có máy xạ trị gia tốc 160 lá

Chiều 27/2, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và khai trương hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Elekta Synergy hệ thống ống chuẩn trực 160 lá.

Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Elekta Synergy hệ thống ống chuẩn trực 160 lá có thể mở linh hoạt cho nhiều kích cỡ trường chiếu xạ khác nhau, làm tăng hiệu quả xạ trị.

Máy xạ trị này cho phép thực hiện nhiều kỹ thuật cao nhưxạ trị điều biến liều, xạ trị hình cung điều biến liều theo thể tích, xạ trị chuyển đông quay theo hình thái U, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh.

Máy xạ trị thực hiện ở người lớn và trẻ em với các bệnh lý: bệnh ung thư vùng đầu cổ; ung thư tiêu hóa; ung thư vú, ung thư phụ khoa…; xạ trị cấp cứu, xạ trị giảm đau…

Nhịp Sống Khỏe 28/2: Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi | Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch 2
Máy xạ trị gia tốc tuyến tính Elekta Synergy hệ thống ống chuẩn trực 160 lá được đưa vào sử dụng. Ảnh: NLD

Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa tiến hành quy trình báo động đỏ, chạy đua với thời gian thực hiện phẫu thuật cứu sống cho bệnh nhân 69 tuổi bị phình vỡ động mạch chủ trên nền tiền sử tăng huyết áp nhiều năm.

Trước khi nhập viện cấp cứu, ông Nguyễn Văn Tăng (69 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt; sau đó được người thân đưa đến Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng huyết áp tụt.

Sau khi tiến hành chụp CT-Scanner ổ bụng, bác sĩ phát hiện người bệnh bị phình vỡ động mạch chậu gốc phải, tiên lượng nặng. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nặng và nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật kịp thời, BV khẩn trương khởi động báo động đỏ toàn viện. Cùng với việc vừa hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển phòng mổ phẫu thuật cấp cứu.

Quá trình phẫu thuật, kíp mổ nhanh chóng tiến hành thay đoạn động mạch chủ chậu cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài gần 5 giờ, người bệnh được các bác sĩ đã tiến hành xử trí, phẫu thuật thành công. Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện về nhà.

Nhịp Sống Khỏe 28/2: Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi | Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch 3
Niềm vui của bệnh nhân Nguyễn Văn Tăng sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ảnh: BVCC

Cà Mau ghi nhận trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ

Tối 27/2, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, bệnh nhân C.V.B. (36 tuổi; ngụ xã Định Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ và chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM.

Theo báo cáo, ngày 19/2, bệnh nhân B. xuất hiện các triệu chứng đau rát vùng quy đầu dương vật và một số mụn mủ nên đến phòng khám tư nhân để điều trị. Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm mà còn xuất hiện nhiều bóng mủ tại bàn tay, cánh tay… nên B. đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau khám bệnh.

Tại đây, bệnh nhân được tư vấn đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để thăm khám và điều trị. Sau đó, B. được chẩn đoán nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành truy vết và giám sát người tiếp xúc gần; khử khuẩn tại vực nhà ở của người bệnh nhân ở xã Định Bình và gia đình ở xã Nguyễn Phích.

WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi cuối năm 2024

WHO cho biết, các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực, chủ yếu là do bỏ lỡ tiêm chủng trong những năm xảy ra dịch COVID-19, khi hệ thống y tế bị quá tải và tụt hậu so với việc tiêm chủng định kỳ, cho các bệnh có thể phòng ngừa được. Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ có nguy cơ bùng phát cao hoặc rất cao vào cuối năm nay.

Theo Natasha Crowcroft, cố vấn kỹ thuật cấp cao về bệnh sởi và rubella của WHO: Điều chúng tôi lo lắng là năm nay (2024), chúng ta có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó.

WHO cho biết: "Mặc dù đã có sẵn vaccine an toàn và tiết kiệm chi phí, nhưng vào năm 2021, ước tính có khoảng 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ". Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến việc tiêm phòng sởi, dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, khiến hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương.

Nhịp Sống Khỏe 28/2: Chỉnh cột sống hình con rắn cho bé gái 13 tuổi | Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch 4
Tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi và lây sang người khác.