1. Nhóm máu Rh là gì?
Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM), ngoài hệ thống nhóm máu ABO, nhóm máu còn được phân loại theo nhóm Rh hay còn gọi là yếu tố rhesus. Hệ thống nhóm máu Rh ở người gồm có gần 50 loại kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D được xem là kháng nguyên quan trọng nhất.
Đối với các kết quả của người mà trong cơ thể có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu được gọi là nhóm máu Rh dương hay Rh (+), và ngược lại nếu không có sự xuất hiện của kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu thì sẽ cho kết quả nhóm máu Rh âm hay Rh (-), đặc biệt khi kết quả xét nghiệm là Rh (-) thì các mẹ bầu phải đặc biệt lưu ý vì nó có liên quan đến vấn đề an toàn trong sinh nở ở mẹ và bé.
2. Nhóm máu Rh (-) ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Rh (-) là một trong những nhóm máu hiếm ở người (Nguồn: Internet)
TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, khi mẹ bầu có kết quả xét nghiệm Rh (-) thì sẽ có 3 vấn đề có thể xảy ra đối với thai kỳ, đó là:
- Mẹ bầu có thể bị bệnh lý tán huyết ở thai kỳ sau.
- Mẹ bầu có thể bị băng huyết sau sinh và bắt buộc cần phải tìm được đúng nhóm máu Rh (-) để truyền.
- Trẻ sinh ra có thể bị hội chứng tán huyết.
3. Mẹ bầu có nhóm máu Rh (-) cần quan tâm điều gì?
Thông thường, nếu mẹ bầu có nhóm máu Rh là dương (+) thì sẽ không có vấn đề gì cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm mẹ bầu mang nhóm máu Rh (-) thì bác sĩ sẽ phải tiến hành thử Rh của người chồng. Nếu người chồng có Rh(-) thì bác sĩ sẽ không cần can thiệp, chỉ theo dõi cho thai kỳ. Nếu người chồng có Rh (+) thì người thai phụ sẽ phải làm tiếp xét nghiệm, gọi là xét nghiệm kháng thể hay còn gọi là xét nghiệm anti-D. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện vào từ tuần thai thứ 20 cho đến tuần thai thứ 28 của thai kỳ .
Xét nghiệm anti-D sẽ có 2 cái kết quả:
- Nếu mà bà mẹ Rh (-) nhưng khi xét nghiệm kháng thể D (+) thì chỉ theo dõi sát sao thai kỳ và theo dõi bé sau sinh, đặc biệt là theo dõi bé ở giai đoạn nhũ nhi.
- Nếu mẹ Rh (-) kết quả xét nghiệm anti-D cũng (-) thì lúc thai phụ bắt buộc phải tiêm dự phòng anti-D Immunoglobulin. Tiêm dự phòng anti –D Immunoglobulin sẽ chích vào 3 thời điểm đó là vào lúc thai 28 tuần, thai 34 tuần và 72 giờ sau sinh.
4. Làm thế nào để phát hiện mẹ bầu bị nhóm máu Rh (-)?
Hiện nay ở các nước phương Tây rất quan tâm đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám tiền sản vì có thể giúp phát hiện ra được những bệnh ví dụ như Rh (-), bệnh thalassemia... Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vấn đề này vẫn được chú trọng. Do đó việc nhận biết thai phụ có nhóm máu Rh (-) hay không chỉ được phát hiện khi bác sĩ kiểm tra, thực xét nghiệm phân loại nhóm máu.
Phụ nữ chỉ phát hiện nhóm máu Rh (-) khi thực hiện xét nghiệm máu (Nguồn: Internet)
Và nếu phát hiện người mẹ bị nhóm Rh (-) thì thai phụ sẽ được theo dõi thai định kỳ kỹ hơn, thời gian khám thai có thể ngắn lại và bác sĩ cũng sẽ có những sự chuẩn bị cho cuộc sinh nở để loại trừ những nguy cơ như băng huyết sau sinh (do gặp khó khăn trong việc tìm nhóm máu phù hợp) và truyền sai nhóm máu (có thể làm kết tụ hồng cầu gây nguy hiểm).
Những em bé được sinh ra từ người mẹ có nhóm máu Rh (-) thì sau sinh sẽ phải lấy máu cuống rốn để làm các xét nghiệm nhóm máu ABO, Rh. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ định lượng hemoglobin (huyết sắc tố), bilirubin... để xem sự ngưng kết hay phản ứng giữa máu mẹ và máu con, từ đó đưa ra những hướng xử lý thích hợp.
5. Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, cả một quá trình thai mẹ bầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: sảy thai, thai ngoài tử cung, thai trứng, sinh non, thủ thuật xâm lấn, chọc ối, sinh thiết gai nhau hay những trường hợp xuất huyết, thai lưu trong bụng.... Những bất thường này đều có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu và với những mẹ bầu có nhóm máu Rh (-) thì sẽ càng nguy hiểm hơn do không tìm được máu tương thích.
Vì thế, trong một số trường hợp phụ nữ sẽ được chỉ định tiêm anti-D trước để đảm bảo an toàn thời kỳ mang thai đó là:
- Khi phá thai nội khoa.
- Phá thai ngoại khoa bằng những thủ thuật hút, nạo thai
- Trường hợp dọa sảy thai đặc biệt là sau 12 tuần.
- Mẹ bầu nhóm máu Rh (-) có thực hiện các thủ thuật sinh thiết gai nhau, chọc ối... Đặc biệt, là những trường hợp có xuất huyết trước khi chuyển dạ, thai chết lưu.
Tóm lại khi thai phụ có nhóm máu Rh (-) thì phải chú ý trong quá trình khám thai, đặc biệt là trong việc lựa chọn nơi sinh để bác sĩ có thể thăm khám, chăm sóc và có những sự chuẩn bị cho cuộc sinh an toàn cũng như có thể xử trí được tất cả những bất thường nếu không may xảy ra.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: