Những căn bệnh có thể khiến bạn bị đau bàn chân

(VOH) – Bàn chân bị đau có thể khiến chất lượng cuộc sống người bệnh giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, đau bàn chân lại không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng. Vậy bị đau bàn chân là mắc bệnh gì?

Câu hỏi thính giả

Tôi tên Hoa, năm nay tôi 59 tuổi, 2 bàn chân của tôi đã bị đau nhiều năm (khoảng 6 năm) nhưng mà đau ít, 2 - 3 ngón chân thôi, mỗi khi tôi đi bộ thì nó đau nhiều và tôi phải ngồi xuống bóp thì mới đỡ hơn chút xíu. Nhưng gần đây thì nó đau dữ dội và đau vô gần nửa bàn chân (chân bên phải đau nhẹ hơn). Tôi có đi khám ở BV ĐH Y Dược thì bác sĩ nói tôi bị suy giãn tĩnh mạch, có chích thuốc vào tĩnh mạch chân, mang tất, uống thuốc vài tháng nhưng vẫn không thấy đỡ nên tôi bỏ không điều trị nữa. Tôi mong bác sĩ có thể giải đáp là tôi đang mắc bệnh gì và hướng điều trị ra sao?

nhung-can-benh-co-the-khien-ban-bi-dau-ban-chan-voh

Tình trạng đau bàn chân có thể do nhiều căn bệnh gây ra (Nguồn: Internet)

Những bệnh lý có thể gây ra hiện tượng đau bàn chân

Theo TS, BS Tăng Hà Nam Anh (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương) có rất nhiều căn bệnh có thể xuất hiện cùng lúc và các triệu chứng sẽ chồng lấp lên nhau, chẳng hạn như:

  • Bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể khiến người bệnh bị phù chân khi đi nhiều, nặng chân, tê nhức bắp chân và ban đêm ngủ đôi khi sẽ bị chuột rút. 
  • Bệnh thoái hóa khớp ngón chân có thể làm cho người bệnh bị đau các khớp ngón chân, khi đi cơn đau sẽ nhiều hơn, đặc biệt buổi sáng bước xuống giường cũng thường sẽ bị đau.
  • Tình trạng đau bàn chân vào buổi sáng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thoái hóa khớp bàn chân.
  • Hẹp ống sống thắt lưng cũng có thể gây ra tình trạng bị đau mỗi khi di chuyển và càng đi nhiều sẽ càng đau. Người bị hẹp ống thắt lưng khi ngồi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ giảm, tuy nhiên khi đứng dậy để tiếp tục di chuyển thì lại xuất hiện cơn đau và khoảng thời gian mà người bệnh di chuyển sẽ càng ngày càng ngắn lại.

Do đó, đối với tình trạng đau bàn chân không rõ nguyên nhân do đâu thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện một số kỹ thuật y khoa chuyên môn để tầm soát bệnh, chẳng hạn như chụp MRI nếu có nghi ngờ về bệnh hẹp ống sống thắt lưng hoặc chụp X-quang khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị thoái hóa khớp ngón chân.

Tuy nhiên, chụp X-quang có thể sẽ không thể tìm ra được bệnh nên thông thường bác sĩ sẽ thực hiện thêm thăm khám lâm sàng, nếu bác sĩ ấn bóp vào các khớp và nó gây đau thì có thể chẩn đoán là bệnh thoái hóa khớp hay là những bệnh lý khác, ví dụ viêm khớp dạng thấp

Như vậy, người bệnh nếu có tình trạng bị đau bàn chân, đau nhiều mỗi khi di chuyển hoặc vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra kỹ càng, bởi đây là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý về cơ xương khớp.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ thông qua audio dưới đây: