Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điều cần biết về tuổi dậy thì của bé gái

(VOH) - Khi bước vào tuổi dậy thì cơ thể bé gái sẽ có nhiều sự thay đổi, đây được xem là 1 bước ngoặt lớn trong cuộc đời, do đó ba mẹ cần biết quan tâm chia sẻ với bé nhiều hơn để con không bị bỡ ngỡ.

Các bé gái khi bước vào giai đoạn dậy thì tức là đang chuyển tiếp từ một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành cả về mặt tâm lý và về mặt thể chất. Những thay đổi này sẽ khiến các bé vô cùng lo lắng, vì thế ba mẹ cần phải chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức để có thể giúp con vượt qua những thay đổi lớn về mặt thể chất và cảm xúc.

Tuổi dậy thì của bé gái bắt đầu khi nào?

ThS,BS Nguyễn Thị Thanh Tâm (BV Từ Dũ) cho biết, tuổi dậy thì được hiểu là lúc cơ thể bé gái có những sự thay đổi và trở nên giống người lớn hơn. Độ tuổi dậy thì thông thường ở bé gái là từ 9 đến 12 tuổi. Những bé dậy thì sớm trước 8 tuổi hoặc dậy thì muộn sau 14 tuổi thì đều được xem là bất thường.

Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm

Trẻ dậy thì sớm đa phần là do những bất thường ở tuyến sinh dục, nguyên nhân dẫn đến sự bất thường có thể là do có khối u ở buồng trứng, khối u ở hệ thần kinh, hoặc khối u tuyến thượng thận,... 

nhung-dieu-can-biet-ve-tuoi-day-thi-cua-be-gai-voh

Trẻ có thể dậy thời sớm hơn bình thường (Nguồn: Internet)

Đối với những trường hợp này, nếu quan sát sẽ thấy bé cao lớn một cách đột ngột so với các bạn cùng trang lứa hoặc bé xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn bình thường.

Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì muộn

Trẻ dậy thì muộn thường do các tuyến sinh dục hoạt động không bình thường. Một số trường hợp tuyến sinh dục không hoạt động hoặc thậm chí là không có tuyến sinh dục (bất thường bẩm sinh).

Với những trường hợp này, ba mẹ cũng cần đưa bé đi kiểm tra để có thể phát hiện sớm và khắc phục kịp thời. 

Biểu hiện cho thấy trẻ đang trong tuổi dậy thì

Theo bác sĩ Thanh Tâm, thông thường giai đoạn dậy thì của bé gái sẽ đi qua nhiều biểu hiện. Biểu hiện sớm nhất và đầu tiên nhất đó là những thay đổi ở ngực, cụ thể ngực của bé sẽ xuất hiện mầm vú quanh quầng vú. Sau 2 năm, bé sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Trong khoảng giữa 2 năm này bé sẽ có những biểu hiện khác, ví dụ như:

  • Tăng chiều cao.
  • Xuất hiện lông ở vùng nách, vùng sinh dục.
  • Có hiện tượng tích mỡ ở bụng, mông, đùi nhằm tạo ra hình dáng của người thiếu nữ.

Đây là những biểu hiện tiêu biểu nhất cho thấy một bé gái đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần chú ý đến các biểu hiện khác ở cơ thể bên ngoài của bé. Bởi tuổi dậy thì ở bé gái thường được chia thành 2 loại:

  • Đồng giới tính nữ tức là mọi biểu hiện đều thiên về nữ, ví dụ như bé có mầm vú, có lông ở vùng sinh dục, da dẻ mịn màng, dáng vẻ phát triển theo hướng thiếu nữ. 
  • Dị giới tính nữ tức là cơ quan sinh dục ngoài vẫn phát triển theo hướng nữ giới nhưng bé lại rậm lông, có thể có ria mép hoặc có thể có da sậm màu giống như nam giới, nổi mụn quá nhiều… Trẻ bị dị giới tính nữ cần đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh lại hormone.

Không chủ quan với trường hợp trẻ dậy thì sớm

Nhiều bậc phụ huynh thường không đế ý đến quá trình dậy thì của trẻ. Tuy nhiên, cần biết rằng hiện nay các bé gái thường dậy thì sớm hơn so với ngày trước và điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy.

nhung-dieu-can-biet-ve-tuoi-day-thi-cua-be-gai-1-voh

Trẻ dậy thì sớm là một trong những đối tượng dễ bị xâm hại "tình dục" (Nguồn: Internet)

  • Dậy thì sớm có thể khiến bé bị giới hạn sự phát triển chiều cao, gây rối loạn tâm lý cho bé,...
  • Dậy thì sớm khiến cơ thể của bé trông giống như một người thiếu nữ nhưng về mặt sinh lý, tâm lý, kiến thức về xã hội môi trường của bé thì vẫn chưa theo kịp sự phát triển nên bé có thể trở thành đối tượng dễ bị xâm hại tình dục.
  • Ngoài ra, khi bé có biểu hiện sớm nhất của dậy thì (xuất hiện mầm vú) thì trong vòng 2 năm sau bé sẽ có kinh nguyệt. Khi cơ thể bé xuất hiện kinh nguyệt nghĩa là bé sẽ có hiện tượng rụng trứng ở mỗi kỳ kinh như một người phụ nữ bình thường và đây cũng là thời điểm bắt đầu kích hoạt quá trình sinh sản, tức là bé hoàn toàn có thể thụ thai nếu có “quan hệ tình dục”.

Khắc phục tình trạng dậy thì sớm được không?

Theo bác sĩ Thanh Tâm, hiện tượng dậy thì sớm có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, nếu muốn khắc phục tình trạng này đầu tiên ba mẹ phải xác định được nguyên nhân gây dậy thì sớm.

Nếu như nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái chỉ đơn thuần là vấn đề về hormone thì bác sĩ sẽ cho bé sử dụng thuốc để có thể đưa tốc độ tăng trưởng của bé trở về mức bình thường.

Nếu nguyên nhân dậy thì sớm của bé gái do những bất thường trong cơ thể, chẳng hạn như bệnh lý, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, làm xét nghiệm để có thể đưa ra những hướng điều trị thích hợp và an toàn nhất.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì có đáng lo? : Nhiều người cho rằng kinh nguyệt sẽ xuất hiện đều mỗi tháng. Tuy nhiên, thực tế điều này là không đúng với tất cả mọi người, bởi ở tuổi dậy thì kinh nguyệt có thể sẽ xuất hiện không ...
Chỉ số cảm xúc (EQ) và điều cha mẹ cần quan tâm khi bé ở tuổi dậy thì : Tuổi dậy thì là 1 cột mốc quan trọng đối với trẻ, nhất là với bé gái. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn để có thể nhận biết và giúp bé vượt qua khi bé gặp khó ...
Bình luận