Chờ...

Những điều cần lưu ý khi dùng điều hòa cho trẻ sơ sinh

Việc dùng máy điều hòa không đúng cách với người lớn vốn đã gây hại, với trẻ sơ sinh lại càng nguy hiểm hơn. Do đó, các mẹ cần nắm những lưu ý dưới đây để dùng điều hòa cho trẻ sơ sinh đúng cách.

Với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu nên mọi tác động đến con các mẹ đều phải cân nhắc cẩn thận, nhất là khi thời tiết nắng nóng và mẹ đang sử dụng điều hòa cho con.

1. Trẻ sơ sinh mấy tháng tuổi nên nằm máy điều hòa?

Không phải trẻ em nào mới sinh ra cũng cho nằm máy lạnh được, dù mẹ nóng nực đến mấy cũng không được dùng máy điều hòa khi trẻ mới sinh ra. Vì đây là thời gian trẻ chưa thích nghi được nhiệt độ bên ngoài và cần được giữ ấm.

Trong tháng đầu tiên sau sinh, trẻ sơ sinh tuyệt đối không được sử dụng máy điều hòa. Thậm chí, đến tháng thứ 2 trẻ vẫn cần được giữa ấm.

Do đó, để bảo vệ an toàn cho trẻ về đường hô hấp, viêm họng thì các mẹ nên cho trẻ nằm điều hòa từ tháng thứ 3 trở lên.

nhung-dieu-can-luu-y-khi-su-dung-dieu-hoa-cho-tre-so-sinh-voh-1

Nên đặt nhiệt độ điều hòa cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là an toàn? (Nguồn: Internet)

 2. Nhiệt độ điều hòa “chuẩn” dành cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh không có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể tốt như người lớn, nhất là những trẻ sinh thiếu tháng.

Sử dụng điều hòa cho trẻ sơ sinh bao giờ cũng phải đặt nhiệt độ cao hơn người lớn bởi trẻ dễ nhạy cảm với nhiệt độ. Các mẹ đừng bao giờ dựa vào cảm quan của mình mà đặt nhiệt độ điều hòa cho con. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa phải dựa vào độ tuổi và sức khỏe của trẻ.

Nếu trẻ sinh thiếu tháng thì nhiệt độ phù hợp là 32 độ C. Nếu trẻ sơ sinh đủ tháng thì đặt nhiệt độ khoảng 30 độ C tùy theo độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý đặt nhiệt độ trong khoảng từ 26 – 32 độ C.

Trẻ càng lớn, sức khỏe tốt hơn thì nhiệt độ càng giảm. Để đặt nhiệt độ phù hợp cho bé, các mẹ nên giảm hoặc tăng từ từ khoảng 0,5 độ cho đến khi bé khoảng mái, không có biểu hiện ra mồ hôi hoặc ho.

3. Những lưu ý khi sử dụng điều hòa cho trẻ sơ sinh

Nếu muốn sử dụng điều hòa cho trẻ sinh thì các mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

3.1 Không để điều hòa quá 2 – 3 tiếng

Thời gian tối đa các mẹ dùng điều hòa cho trẻ không nên quá 2 tiếng mỗi lần. Tức là khoảng 2 tiếng, mẹ hãy cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường khoảng 10 – 15 phút. Mỗi khi ra ngoài, mẹ nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng 2 – 3 phút để trẻ thích ứng với môi trường xung quanh.

3.2 Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột

Khi trẻ ở ngoài nắng về, ra nhiều mồ hôi, tránh cho trẻ vào phòng điều hòa quá lạnh. Mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi một lát ở phòng không bật điều hòa rồi mới để bé vào phòng bật điều hòa. Nếu trẻ muốn ra ngoài, mẹ lại mở cửa phòng, cho bé đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh.

Các mẹ nên hạn chế cho bé ra vào phòng máy lạnh thường xuyên để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột trong những ngày trời nắng nóng.

3.3 Vệ sinh điều hòa định kỳ

nhung-dieu-can-luu-y-khi-su-dung-dieu-hoa-cho-tre-so-sinh-voh-2

Cần vệ sinh máy điều hòa thường xuyên để phòng bệnh cho trẻ (Nguồn: Internet)

Cha mẹ cần vệ sinh điều hòa nhiệt độ định kỳ 6 tháng/lần để tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh trong máy. Nếu không, điều hòa sẽ là nguồn gây bệnh cho bé. Phòng sử dụng máy điều hòa cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ, khi không bật điều hòa, cần mở cửa phòng cho thoáng khí.

3.4 Đảm bảo độ ẩm trong phòng điều hòa

Các mẹ có thể sử dụng máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng điều hòa hoặc có thể đặt một chậu nước trong phòng sẽ giúp duy trì độ ẩm hợp lý trong phòng và sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.

3.5 Nên nhỏ mũi thường xuyên cho con

Nằm điều hòa tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng rất dễ gây khô da, khô mũi. Do đó, mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho bé, đồng thời cho bé uống nhiều nước, với trẻ bú mẹ thì mẹ cho bú nhiều lần để tránh mất nước cho cơ thể.

Khi trẻ ngủ, mẹ cũng lưu ý đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh.

3.6 Không để gió điều hòa thổi thẳng vào chỗ trẻ nằm

Hệ hô hấp của trẻ còn rất nhạy cảm. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng,…

Vị trí đặt điều hòa nên ở trên cao. Cách cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh.

Với những lưu ý về cách sử dụng điều hòa cho trẻ sơ sinh, hy vọng có thể giúp các mẹ có thêm kiến thức để nuôi dạy con tốt hơn.