Chờ...

Những giải pháp giúp người mắc bệnh lý nền sống vui khỏe mùa Covid-19

(VOH) - Cho đến nay, số ca tử vong được ghi nhận do Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng với 31 ca, Quảng Nam với 3 ca và Quảng Trị với 01 ca.

Theo Bộ y tế, đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Những giải pháp giúp người mắc bệnh lý nền sống vui khỏe mùa Covid-19
Người cao tuổi tập thể dục tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (quận 1, TPHCM). Ảnh: SGGP

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet (tạp chí Y khoa danh tiếng thế giới), các nhà nghiên cứu xem xét 99 trường hợp mắc Covid-19 sớm nhất, trong đó, một nửa trong số họ mắc các bệnh mạn tính tiềm ẩn trước khi nhiễm bệnh Covid-19. Không chỉ trong đại dịch, ngay cả trong cuộc sống thường ngày, người mắc bệnh mạn tính luôn gặp phải nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ. Đáng lo ngại hơn đó là những người mắc bệnh lý nền này lại thường bị mắc kèm thêm các bệnh lý khác. Và, nếu phải nằm viện thì quá trình điều trị cũng sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Hiểu về bệnh lý nền như thế nào cho đúng và nguy cơ đối với người có bệnh lý nền mắc Covid-19, Ths.Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt – Khoa khám bệnh – Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết: “Bệnh lý nền là những bệnh lý có sẵn, mạn tính mà bệnh nhân đã mắc trước đó như tiểu đường, huyết áp, phổi mạn tính, ung thư, suy thận. Khi người bệnh có bệnh lý nền mà mắc phải Covid-19 thì triệu chứng sẽ nặng hơn thì tiên lượng và tỷ lệ tử vong cao hơn so với người bình thường do là sức đề kháng kém hơn”.

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê một danh sách bệnh nền/thể trạng dễ khiến bệnh nhân Covid-19 trở nặng, áp dụng cho bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi là ung thư, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, béo phì, các bệnh tim mạch nghiêm trọng như suy tim, bệnh liên quan đến động mạch vành hoặc cơ tim; Bệnh hồng cầu hình liềm; Tiểu đường tuýp 1 và 2; Hen suyễn; Bệnh mạch máu não; Bệnh xơ nang; Bệnh cao huyết áp; Hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, tủy sống, nhiễm HIV, hoặc sử dụng các loại thuốc khiến hệ miễn dịch yếu đi; Các hội chứng thần kinh, ví dụ mất trí nhớ; Bệnh về gan; Đang mang thai; Xơ phổi; hút thuốc lá; Bệnh tan máu bẩm sinh. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, danh sách bệnh này giúp các bác sĩ tham khảo để họ có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân Covid-19; đồng thời cảnh báo người bệnh có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Theo Ths.Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, thống kê trên thế giới tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà có bệnh nền chiếm tới 75%, đây là con số đáng báo động. Và hầu hết ca tử vọng tại Việt Nam đều có bệnh nền. Các bệnh nhân có bệnh nền thường có xu hướng lo lắng và căng thẳng, bất an trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bác sỹ nhận định chỉ cần bệnh nhân tuân thủ các khuyến cáo thì tình trạng bệnh sẽ ổn định.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, các chuyên gia y tế cho rằng, những người mắc các bệnh lý nền phải xác định chung sống với bệnh với những phương thức an toàn, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Đây là mối quan tâm của không chỉ những bệnh nhân này mà còn của người thân và toàn xã hội.

"Lời khuyên của bác sĩ dành cho các bệnh nhân là không nên qua lo lắng khi bản thân có bệnh nền, chỉ cần tuân thủ theo những khuyến cáo thì tình hình sẽ ổn định. Các bệnh nhận có bệnh nền sẵn phải nhận biệt những triệu chứng nguy hiểm phải đến bệnh viện ngay lập tức. Trong mùa dịch Covid-19 phải giữ sức khỏe tinh thần thật tốt, tạo mối quan hệ gần gủi gia đình bằng những phương pháp không tiếp xúc trực tiếp. Tránh rượu bia, hút thuốc lá. Trong thời gian này cần phải dùng thuốc đầy đủ, không tự  ý ngưng, giảm liều. Ngoài ra cần quan tâm đến vào chế độ ăn uống và tập luyện", Ths.Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt khuyến cáo.

Phòng ngừa lây nhiễm vẫn là yếu tố vô cùng quan trong mùa dịch Covid-19, cùng với đeo khẩu trang, rửa tay chính là phương pháp hữu hiệu tiếp theo được khuyến cáo để ngăn ngừa không chỉ Covid-19 mà còn với các bệnh lý hô hấp khác. Bởi vì tay sẽ là nơi tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt công cộng hoặc những nơi khác có chứa virus, vi khuẩn, và theo thói quen chúng ta thường sẽ đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Do đó, bàn tay vô tình sẽ là nguy cơ trung gian khiến virus xâm nhập vào cơ thể.  Với những người có bệnh lý nền cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này để gia tăng hiệu quả phòng ngừa Covid-19 một cách đáng kể. Bác sĩ chuyên khoa I Dương Văn Hoanh có những lưu ý đến các bệnh nhân về những cách bảo vệ cơ thể trước Covid-19: "Ngoài đeo khẩu trang để phòng Covid-19, thì việc đeo khẩu trang cũng đề phòng các bệnh hô hấp khác. Cần lưu ý việc đeo và tháo khẩu trang phải đúng cách. Bên cạnh đó là rửa tay, rửa tay thường xuyên và lau chùi các bề mặt tiếp túc để phòng ngừa Covid-19, tránh lây lan bệnh tật".

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19, trong thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Và rõ ràng nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước. Trong khi đó, trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Như vậy, nếu chủ quan, mất cảnh giác, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Riêng với nhóm đối tượng những người mắc bệnh lý nền nếu mắc phải bệnh Covid-19 sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn và diễn biến nguy kịch rất nhanh.

Do đó, ngoài những biện pháp phòng ngừa bệnh hàng ngày, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TPHCM lưu ý những người mắc bệnh nền cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mãn tính của mình. Mang theo các loại thuốc bệnh mãn tính trong người. Trao đổi về tình trạng bệnh lý nền của bản thân thường xuyên hơn với bác sĩ, liên hệ ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ khoảng cách 2m ở những khu vực tập trung. Đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm và viêm phổi để hạn chế tình trạng xấu đi trong trường hợp nhiễm Covid-19.