Những người hồi sinh sự sống

(VOH) - Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp “chữa bệnh cứu người”, cơ duyên đưa đẩy bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông từ một bác sĩ sản khoa giỏi lại gắn bó hơn nửa đời phục vụ cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: SGGP

Yêu thương bệnh nhân...như người nhà

Nhớ lại những ngày đầu khi đại dịch HIV/AIDS không chỉ bệnh nhân mà những bác sỹ làm công việc này cũng bị "vạ lây" sự kì thị,  đồn đoán, bởi "bệnh gì mà tắm cũng lây, ăn uống cũng lây, đụng chạm cũng lây".

Ấy vậy là chị vẫn bám trụ, đồng hành cùng với bệnh nhân tiếp thêm nghị lực cho họ từng chút một vượt qua lưỡi hái tử thần. Do liệu trình điều trị căn bệnh thế kỷ khá dài nên không biết tự lúc nào bác sỹ Ánh Đông một cách tự nhiên xem bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Ngoài quản lý bệnh nhân tại phòng khám, bác sĩ Ánh Đông  - Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Quận Bình Thạnh – hằng ngày vẫn nhín chút thời gian đi đến tận nhà từng người bệnh, lắng nghe, chia sẻ tâm tư tình cảm với những đứa con một thời lầm lỡ. Mừng rơi nước mắt khi thấy bệnh nhân tuân thủ điều trị, trở lại con người khỏe mạnh.

“Nếu mà nghĩ đến cơm áo gạo tiền chắc người bác sĩ làm công tác dự phòng cũng như công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV chắc không có làm đâu” - Bác sĩ Ánh Đông nói.

Bao năm dốc hết tâm sức, dành trọn tình thương cho bệnh nhân của mình, hỏi chị về kỉ niệm riêng lưu giữ của mình với bệnh nhân… bỗng chợt biết bao hồi ức lại ùa về, xúc động đến nghẹn lời, chị chia sẻ: ”Một hôm trên đường đi làm về ngay chợ Gò Vấp, chỗ ngã tư mình thấy bệnh nhân trước đây đang điều khiển tín hiệu giao thông. Trời, cái tim mình như muốn đứng lại, nước mắt mình chảy ra.. tự hào quá. Mình phát khóc vì sung sướng. Người mà hôm qua mình không nghĩ sẽ về đâu mà giờ đang có công việc ổn định, giúp ích cho cộng đồng”.

Chỉ niềm vui nhỏ nhoi vậy thôi nhưng cũng đủ để vị bác sĩ ấy góp nhặt, gom lại vào góc tâm hồn - hành trang ấy sẽ thôi thúc bác sĩ Ánh Đông bước tiếp trên chặng đường vẫn còn gian nan phía trước.

Hằng ngày, công việc của bác sĩ Ánh Đông vẫn đều đặn đi thăm hỏi, động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân mới, đồng thời là đầu tàu định hướng cho các nhóm đồng đẳng đang hoạt động trên địa bàn. Những trưởng nhóm sát cánh với chị hôm nay cũng là bệnh nhân mười mấy năm trước. 

Giờ đây, khi đã thành lập nhóm online huy động các bạn vào nhóm, cùng đi chăm sóc, tư vấn cho những người cùng cảnh ngộ như mình. Ít ai biết được cách đây 20 năm, Vũ Ngọc Thúy Phương (ngụ khu phố 2, phường 5, quận Phú Nhuận) từng sa chân làm bạn nàng tiên nâu với thành tích 5 lần đi cai rồi lại bất thành. Với Phương, bác sĩ Ánh Đông là ân nhân cứu rỗi cuộc đời tưởng chừng đã hết.

Nếu bất chợt nghe tin đâu đó người này, người kia có dấu hiệu "ngựa quen đường cũ", tụ tập bạn bè xấu.. là bác sĩ Đông lại tất tả chạy đến tận nhà, thủ thỉ tâm tình, kiên trì phân tích lẽ thiệt hơn để các em biết chọn đường sáng mà đi. Bởi hơn ai hết, bác sĩ Đông hiểu rằng, ngoài sự hỗ trợ của thuốc điều trị thì có lẽ, liều thuốc tinh thần nó còn có giá trị gấp vạn lần. Bác sỹ chọn nghiệp dự phòng là thế, gắn bó với bệnh nhân vô điều kiện, không hề toan tính thiệt hơn dù đời sống của họ khá bấp bênh.

Còn với đội ngũ bác sĩ điều trị, hằng ngày, họ luôn trong tâm thế đối mặt với tình huống cấp cứu khẩn cấp cùng sự căng thẳng tột độ đòi hỏi người bác sĩ không thể chần chừ phải đưa ra quyết định đúng đắn.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Yêu nghề

Không ngày nghỉ lễ, chưa bao giờ vui trọn Tết cùng gia đình, nhưng với Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm -  trưởng khoa hồi sức sơ sinh  - bệnh viện Nhi đồng 1  - xem đây là chuyện bình thường vì đã trót yêu quá cái nghề này. Khoa của chị chuyên điều trị tiếp nhận những bé sinh non thiếu tháng và đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ, khéo léo cùng môi trường tuyệt đối vô trùng, vì chỉ sơ sẩy chút thôi là các bé sẽ không chịu nổi.

Gắn bó gần 20 năm tại ngôi nhà chung thân thương là bệnh viện Nhi đồng 1, cứ mỗi khi có bé xuất viện khỏe mạnh về quê đón Tết cùng gia đình, trong lòng bác sĩ Tâm cảm thấy ấm áp lạ kì mặc dù riêng mình không có tết.

Sự tận tâm với nghề của bác sĩ Tâm không chỉ được đồng nghiệp ghi nhận quý mến mà trên hết là sự biết ơn, trân trọng của cha mẹ bệnh nhi, họ dành cho bác sĩ Tâm một tình cảm sâu sắc.

Từng có thời gian ở với con lâu dài tại khoa hồi sức sơ sinh, chị Võ Thị Hồng Duyên – mẹ bé Dương Minh Phát, cháu bé bị dao đâm xuyên sọ, xúc động kể: ”Con em đợt đầu tiên nằm ở khoa bác sĩ Tâm vì là sơ sinh. Nghe mẹ bé lên bác sĩ Tâm gọi vô liền, bác sĩ Tâm nói tình trạng của bé , vừa nói mà bác Tâm vừa khóc, dần dần bé khỏe bác sĩ Tâm lại đích thân hướng dẫn cách tập cho bé bú, tập cho mẹ ẳm...bác sĩ chỉ em tận tình, bác sĩ Tâm giống như mẹ của cháu”.

Với góc độ người làm quản lý, TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – cho rằng, không ngừng khuyến khích việc phát hiện khen thưởng kịp thời những gương sáng trong ngành y tế là vô cùng cần thiết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", triết lí cuộc sống vô cùng nhân văn đó luôn được những người thầy thuốc mang theo bên mình như một hành trang làm nghề. Mùa xuân sẽ trở nên ấm áp lạ kì với những người bác sĩ giàu lòng nhân ái như thế./.