Thực tế, khả năng ngôn ngữ của trẻ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra. Ở những tháng đầu tiên, trẻ thể hiện kỹ năng này qua tiếng khóc. Càng lớn, càng làm quen nhiều với thế giới xung quanh, khả năng nói của trẻ ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có một tốc độ phát triển khác nhau, có trẻ biết nói nhanh, có trẻ biết nói chậm, có trẻ nói nhiều, có trẻ nói ít... Ngoài ra, khả năng nói của bé cũng phụ thuộc vào những phương pháp dạy trẻ tập nói của ba mẹ.
Dạy bé tập nói khi nào?
Trẻ bắt làm quen với âm thanh ngay từ khi chào đời, đến tháng thứ 3 – 4 bé sẽ bắt đầu tập nói. Quá trình tập nói diễn ra trong vòng 3 năm đầu đời, đây là giai đoạn bé sẽ thay đổi liên tục để chứng minh khả năng tiếp thu và học học của mình. Cụ thể:
- Sinh ra đến 3 tháng tuổi: Ngôn ngữ chủ yếu là tiếng khóc. Tuy nhiên, lúc này bé cũng cảm nhận được những âm thanh dỗ dành, ru ngủ của mẹ. Nếu có phát ra âm thanh thì chủ yếu là nguyên âm đơn, như ahhh.
- Từ 3 – 4 tháng tuổi: Bé phát ra những âm thanh phức tạp hơn, có thể bập bẹ tạo ra những âm thanh như “bah – bah” hoặc “muh – muh”.
- Từ 5 – 6 tháng tuổi: Bé bắt đầu luyện tập ngữ điệu, tăng giảm âm lượng, cường độ để đáp lại lời nói và nét mặt của mẹ. Lưu ý, nếu trẻ 6 tháng tuổi không phát ra bất kỳ âm thanh nào, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trẻ từ 17 - 12 tháng tuổi có thể bập bẹ phát ra những âm thanh đa dạng (Nguồn: Internet)
- Từ 7 – 12 tháng tuổi: Bé có thể bập bẹ phát ra những âm thanh đa dạng hơn. Bé cũng đang cố gắng bắt chước lời nói của ba mẹ bằng các cụm từ như “bah-bah” hoặc “dee-dee”.
- Trẻ 12 tháng tuổi: Bắt đầu nói được những từ có nghĩa. Trẻ có thể bắt chước một vài cụm từ mà mẹ nói ra.
- Trẻ 14 tháng tuổi: Bé thay đổi ngữ điệu nhiều hơn, thậm chí sử dụng thêm cử chỉ tay để bày tỏ lời nói được rõ ràng hơn.
- Trẻ 16 tháng tuổi: Có thể nói được nhiều từ hơn, bắt đầu gọi “mẹ ơi” để thu hút sự chú ý, gật đầu hoặc lắc đầu cho câu hỏi có – không. Ngoài ra, bé có thể phát âm được các phụ âm khó như t, d, n, w và h.
- Trẻ 18 tháng tuổi: Bé đã có vốn từ vựng khoảng 10 – 20 từ, bao gồm tên “mẹ”, một số tính từ và động từ. Bé có khả năng nói các cụm từ đơn giản như “đi chơi đi”, “làm gì đó”, “muốn ăn bánh”...
- Từ 18 – 24 tháng tuổi: Bé bắt đầu nói được các cụm từ gồm 2 từ trở lên cho các mục đích mới lạ hơn.
- Trẻ 24 tháng tuổi: Bé biết khoảng 50 – 100 từ, sử dụng các câu ngắn 2 – 3 từ và đại từ nhân xưng để giao tiếp.
- Từ 2 – 3 năm: Bé có khoảng 200 – 300 từ để giao tiếp cơ bản và mở rộng cụm từ 3 – 6 từ. Lưu ý: Nếu trẻ trong giai đoạn này cứ lặp lại câu hỏi của bạn thay vì trả lời, hãy đưa bé đến khám bác sĩ vì có thể đây là dấu hiệu sớm của chậm ngôn ngữ.
3 cách dạy bé tập nói đơn giản
-
Dạy bé tập nói bằng hình ảnh
Dạy bé tập nói bằng hình ảnh là một trong những phương pháp giáo dục sớm, giúp bé phát triển trí não và các kỹ năng ngôn ngữ ngay từ nhỏ. Khi được học cùng với những bức hình sinh động, quá trình học nói của bé sẽ phát triển nhanh chóng và dễ dàng hơn. Có 3 cách dạy bé tập nói bằng hình ảnh là:
- Dạy bé tập nói bằng hình ảnh thực tế
Ba mẹ có thể trò chuyện thực tế với bé. Trong cuộc sống thường ngày, hãy cố gắng tận dụng mọi khoảnh khắc và tạo điều kiện cho bé được luyện tập và phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng cách trò chuyện cùng con.
Ba mẹ có thể kể và mô tả những việc mình đang làm cho bé nghe, ví dụ khi mẹ đang nhặt rau, mẹ có thể nói “mẹ đang nhặt rau muống” hoặc khi ba đang gọt trái cây, ba có thể nói “ba gọt quả táo cho con ăn”....Khi được nghe và thấy những hình ảnh thực tế, bé sẽ học được từ mới nhanh hơn.
- Sử dụng hình ảnh trên sách/báo
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dạy bé tập nói bằng hình ảnh trong sách/báo sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đối với trẻ. Việc này sẽ giúp trẻ phát triển được kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ, tư duy và xã hội. Hơn nữa, đọc sách cũng là cơ hội để ba mẹ gần gũi, tạo sự gắn kết hơn với trẻ.
Dạy trẻ tập nói bằng cách đọc sách cho trẻ nghe là một phương pháp hữu ích (Nguồn: Internet)
Ba mẹ hãy chọn cho bé những cuốn sách, truyện có thật nhiều hình ảnh. Trong quá trình đọc sách cùng bé, mỗi khi dừng lại ở trang nào đó, ba mẹ hãy chỉ vào hình ảnh trên trang và mô tả bức tranh đó cho bé. Ví dụ, khi dạy bé tập nói về chủ đề động vật qua sách, ba mẹ có thể nói “đây là con gì nhỉ”, “à, con rùa đang chạy trên đường”, “con bò ăn cỏ”....
- Sử dụng thẻ từ vựng
Thẻ từ vựng là những tấm thẻ nhỏ, có kích thước cỡ như lòng bàn tay có in hình ảnh minh họa về các đồ vật, con vật cho bé tập nói. Mỗi lần dạy bé tập nói bằng hình ảnh qua các tấm thẻ từ vựng, ba mẹ nên chọn số lượng thẻ vừa phải, phụ thuộc vào khả năng và sở thích của bé. Hãy đưa cho bé từng thẻ và gọi tên hình ảnh trên thẻ cho bé nghe, sau đó bảo bé đọc theo ba mẹ.
Ngoài ra, cho bé xem video cũng là một trong những cách dạy bé tập nói bằng hình ảnh. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về ngôn ngữ ở trẻ, ví dụ như chậm nói.. và nó có thể làm ảnh hưởng đến mắt của trẻ.
-
Dạy bé tập nói bằng các câu chuyện
Với một đứa trẻ mới biết đi, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu. Chuyện bé theo mẹ đi chợ, theo ba ra công viên.... đều có thể là đề tài thú vị. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, ba mẹ nên dành thời gian hỏi chuyện về những gì xảy ra trong ngày.
Cho trẻ đi chơi cũng là cách để trẻ nhận biết thế giới xung quanh, giúp phát triển ngôn ngữ (Nguồn: Internet)
Nếu bé chỉ mới nói được từ đơn hoặc từ đôi, ba mẹ có thể hỏi bé những câu hỏi cụ thể. Ví dụ, bé nói bé đến khu trò chơi trong viên, ba mẹ có thể hỏi “ai đưa con ra đó”, “con chơi với ai”, “con thích nhất trò nào”....
-
Dạy bé tập nói bằng cách hát cho bé nghe
Bài hát là một khuôn mẫu lý tưởng cho bé tập nói và mỗi nền văn hóa sẽ có những bài hát riêng dành cho trẻ nhỏ.
Đừng lo nếu ba mẹ hát không hay vì bé vốn dĩ không quan tâm điều đó, bé chỉ thích nghe giọng hát của bạn mà thôi. Nếu không biết hát những bài hát ru, ba mẹ có thể hát bất kỳ bài nào mà mình thích. Việc hiểu cách bắt đầu và kết thúc một âm thanh sẽ giúp ích nhiều cho bé trong việc dạy trẻ tập nói và học phát âm sau này.
Cách dạy trẻ tập nói nhanh
Tập nói có một phần là từ bản năng của mỗi con người, khả năng ghi nhớ và bắt chước. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu và tốc độ nói của từng bé sẽ không giống nhau, vì thế muốn dạy con tập nói nhanh và không bị tụt lại so với bạn cùng tuổi, ba mẹ nên:
- Mỗi ngày đều nói chuyện, kể chuyện, hát với bé.
- Tập cho bé đếm và học các câu ca dao, tục ngữ.
- Dạy bé tập nói bằng hình ảnh thật.
- Cho bé giao tiếp với những người khác.
- Sao chép âm thanh của bé.
- Thể hiện cảm xúc bản thân khi nói chuyện cùng bé.
>>> Xem thêm: Giúp mẹ theo dõi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 2 tuổi thông qua 25 từ ngữ cơ bản
Những lưu ý khi dạy trẻ tập nói
Ở từng giai đoạn dạy bé tập nói ba mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
-
Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi
- Nói chuyện với bé ở khoảng cách gần và nhìn mặt bé mỗi khi nói chuyện.
- Trò chuyện cùng bé khi ba mẹ làm bất cứ công việc gì từ cho ăn, thay quần áo hay tắm cho bé.
- Có thể hát cho bé nghe.
- Lặp lại những từ bé đã nói để dạy bé cách lắng nghe tốt.
-
Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
- Gọi tên và chỉ ra những thứ ba mẹ có thể nhìn thấy (quả chuối, chiếc xe, con mèo...). Điều này sẽ giúp bé học từ, theo thời gian bé sẽ bắt chước theo.
- Bắt đầu xem sách với bé. Nên ưu tiên những loại sách có nhiều hình ảnh.
- Một số đồ chơi như búp bê, gấu bông... cũng là công cụ tốt để giúp trẻ tập nói chuyện.
Một số loại đồ chơi có thể hỗ trợ trong việc dạy trẻ tập nói (Nguồn: Internet)
-
Trẻ từ 12 – 18 tháng tuổi
- Nếu trẻ nói một từ nào đó bị sai, hãy nói lại và giúp trẻ chỉnh đúng từ.
- Tăng vốn từ vựng cho bé bằng cách đưa ra các câu hỏi hỏi có sự lựa chọn, ví dụ “con thích ăn quả táo hay quả chuối?”...
- Đồ chơi và sách phát ra âm thanh sẽ giúp cải thiện kỹ năng nghe của bé.
-
Trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi
- Ba mẹ có thể lặp lại các từ như “giày của của con đâu”, “hãy mang giày vào chân”... Việc lặp lại các từ ngữ sẽ giúp bé nhớ từ nhanh hơn.
- Sử dụng các câu nói đơn giản để bé dễ hiểu như “mở cửa”, “đóng cửa”...
- Giới hạn thời gian xem tivi hàng ngày của trẻ dưới 2 tuổi. Chơi và nghe truyện sẽ hữu ích hơn khi dạy trẻ tập nói.
-
Trẻ từ 2 – 3 tuổi
- Giúp trẻ xây dựng câu hoàn chỉnh bằng cách sử dụng các câu dài hơn một hoặc 2 từ. Ví dụ trẻ nói “tháo tất ra” mẹ hãy nói “ mẹ sẽ tháo tất cho con”.
- Thu hút sự chú ý của bé bằng cách gọi tên bé khi bắt đầu một câu nói.
- Dành thời gian nhiều hơn để nói chuyện với bé.
Việc dạy bé tập nói sẽ giúp cho trẻ nói được nhiều hơn cũng như bày tỏ những ý muốn, cảm xúc của bản thân được rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, còn giúp trẻ phát triển tư duy và phản ứng tốt hơn với những sự việc xảy ra xung quanh. Nhờ đó, bé sẽ có được sự tự tin khi giao tiếp với mọi người.