Những tai hại không ngờ khi đi dép lào

(VOH) - Dép lào nhẹ, nhiều màu, dễ đi, tiện lợi – nhưng nếu đi nhiều lại gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. 

Thời tiết nóng nực thế này, điều thích thú nhất đối với nhiều người là xỏ chân vào đôi dép lào (còn gọi là dép xỏ ngón hoặc tông). Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều phản đối ý tưởng này. 

Theo Tiến sĩ Jackie Sutera, DPM, bác sĩ chuyên khoa về chân thì chỉ nên xỏ dép lào khi đi biển, hồ bơi, spa – ngoài ra nên giữ chân xa khỏi loại dép này.

Dưới đây là những lý do không nên đi dép lào thường xuyên.

1. Đi dép lào, bạn sẽ để lộ chân – khiến da dễ nhiễm vi khuẩn, virus và nấm. Tệ hơn, nếu bạn nhiễm phải tụ cầu khuẩn Staphylococcus – có thể gây kích ứng da chân và kịch bản xấu nhất là có thể bị cưa chân. Điều này phụ thuộc vào việc chân có bị những vết thương hở hay bị sứt sát trong quá trình cắt móng hay không.

(Ảnh minh họa: Comfortable)

Đặc biệt, nếu đi gần chân người nhiễm nấm – khả năng lây rất cao, không loại trừ cả khả năng nhiễm virus gây ra mụn cơm.

2. Đi dép lào khiến bước chân ngắn lại. Một nghiên cứu của Đại học Auburn cho thấy, những người đi dép lào có bước chân ngắn hơn những người đi giày thể thao, đồng thời làm tăng nguy cơ bị vấp ngã (hoặc bị đạp dép trong đám đông).

3. Dép lào khiến gót chân bị phá hủy. Khi đi dép lào, gót chân sẽ phải tiếp đất với lực mạnh hơn trong khi tấm đỡ chỉ là miếng bọt xốp mỏng. Điều này có thể gây ra đau gót chân - đặc biệt nếu bạn đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài.

4. Dép lào có thể thể gây ra các vết loét ở chân - khi một dây đeo mỏng manh là thứ duy nhất đeo bám vào da mỗi khi bạn bước. Điều này có thể gây kích ứng, khi các vết rộp vỡ ra, bạn sẽ bị mầm bệnh xâm nhập.

5. Dép lào cũng có thể làm tổn thương vĩnh viễn ngón chân khi các ngón chân luôn phải uốn cong để giữ cho dép ở trên bàn chân. Nếu muốn tránh độ cứng, đau thì nên đi loại dép lào có dây đeo ở giữa chân, và một dây đằng sau mắt cá chân.

6. Dép lào khiến cho người sai tư thế. Bất kỳ chiếc dép đế phẳng nào cũng có thể làm thay đổi cơ chế sinh học và ảnh hưởng đến tư thế bởi mặt của dép không được uốn cong như lòng bàn chân. Điều này có thể gây thương tích quá mức lên đến toàn cơ thể, bao gồm viêm gân Achilles (chấn thương gân kết nối cơ bắp với xương gót chân), đau gót chân và dây thần kinh ở lưng bị chèn ép.

7. Dép lào có thể được làm bằng vật liệu độc hại. Các dây đeo bằng nhựa có thể được làm bằng nhựa cao su hoặc nhựa có chứa BPA, một chất độc liên quan đến các loại ung thư khác nhau.
Do đó, để bảo vệ bàn chân và cơ thể, hãy chọn giày dép bằng vải hoặc đai da, bởi vì vật liệu tự nhiên có xu hướng an toàn hơn.