Những thói quen gây hại xương khớp nhiều người mắc phải

(VOH) - Đôi khi những thói quen hàng ngày làm bạn thấy thoải mái tạm thời nhưng nó lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp về sau. Vậy đâu là những thói quen gây hại xương khớp?

1. Những thói quen gây hại xương khớp

Nếu không nhanh chóng thay đổi những thói quen xấu dưới đây bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp trước khi bước vào giai đoạn lão hóa. Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), những thói quen xấu ảnh hưởng đến cơ xương khớp gồm có: 

1.1 Ngồi lâu một chỗ

Ngồi lâu một chỗ với một tư thế cố định sẽ khiến máu huyết không được lưu thông dễ dàng, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa và lão hóa xương. Hoặc ngồi lâu với tư thế gập háng, các đường đi của dây thần kinh từ lưng hông đi xuống sẽ bị ảnh hưởng. Lâu ngày sẽ gây ra các bệnh lý xương khớp như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống cổ, mỏi cơ và đau nhức cơ xương khớp.

1.2 Ngồi vắt chéo chân

nhung-thoi-quen-gay-hai-xuong-khop-nhieu-nguoi-mac-phai-voh-1

Ngồi chéo chân không tốt cho xương khớp (Nguồn: Internet) 

Ngồi lệch một bên hoặc ngồi vắt chéo chân sẽ khiến xương hông và khớp háng bị lệch, tình trạng này tạm thời có thể gây mỏi cơ nhưng lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa sụn khớp. 

Ngoài ra, ngồi vắt chéo chân còn ảnh hưởng đến mạch máu gây ra tình trạng ứ đọng huyết khối hoặc suy giãn tĩnh mạch,…

1.3 Thói quen bẻ các khớp ngón tay, vặn vẹo cổ tay, đấm lưng

Khi làm việc mệt mỏi, đặc biệt là giới văn phòng phải đánh máy liên tục, họ thường xuyên bẻ các khớp ngón tay vì cho rằng đó là cách để giảm mệt mỏi cho các khớp ngón tay. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bay đây là một thói quen có hại cho xương khớp, bởi vì khi bẻ các khớp ngón tay như vậy sẽ tạo ra những vi chấn thương lên sụn khớp. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy nhanh tiến độ lão hóa, gây bệnh thoái hóa và đau khớp xương.

Ngoài ra, thói quen vặn vẹo cổ tay hoặc dùng tay đấm vào lưng cũng hoàn toàn không tốt cho xương khớp.

1.4 Đi giày cao gót

Phụ nữ thường thích mang giày cao gót để tôn dáng và tự tin hơn. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót bạn sẽ vô tình tạo áp dụng lên gót chân, cơ bắp chân, cơ mông và thắt lưng. Nếu mang giày cao gót mỗi ngày và đi đường dài sẽ thử thách cơ gân rất nhiều, bên cạnh đó nó cũng sẽ ảnh hưởng đến khớp .

1.5 Ít vận động

Ít vận động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là có nguy cơ thừa cân, béo phì do ăn vào mà không tập luyện. Khi cơ thể thừa cân sẽ tạo áp lực lớn đến khớp, đặc biệt là khớp gối, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.

1.6 Hút thuốc lá

nhung-thoi-quen-gay-hai-xuong-khop-nhieu-nguoi-mac-phai-voh-2

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến xương khớp (Nguồn: Internet)

Các độc tố trong thuốc lá khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu, máu không được đưa đến các khớp xương đầy đủ để nuôi dưỡng sẽ sinh bệnh tật ngay. 

1.7 Uống rượu bia, ăn thức ăn nhanh thường xuyên

Uống rượu bia và ăn thức ăn nhanh thường xuyên sẽ bị thiếu dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp, đồng thời ảnh hưởng đến sự hấp thu và vận chuyển của canxi vào trong bẹ xương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở xương khớp.

Những biện pháp giảm đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu bị đau nhức xương khớp bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây để khắc phục:

  1. Phương pháp không dùng thuốc

Đối với Tây y và cả Đông y đều có những giải pháp giảm đau nhức xương khớp không dùng thuốc. Cụ thể là:

  • Tập luyện

Nếu tính chất công việc phải ngồi nhiều khiến bạn phải đau lưng, mỏi cổ thì có thể tập vặn mình qua trái, qua phải hoặc gập cổ, ngửa cổ, nghiêng cổ sang trái, nghiêng cổ sang phải hay xoay cổ tay nhẹ nhàng, các ngón tay bóp và duỗi, với vai thì vỗ phía trước, vỗ phía sau,…những động tác này sẽ giúp các cơ, khớp xương của bạn được thư giãn và giảm đau nhanh chóng. 

Lưu ý bạn phải cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tức là sau khi ngồi làm việc khoảng 1 tiếng thì đứng lên vận động, xoay chuyển các khớp nhẹ nhàng trong vòng 5 phút. Nếu tính chất công việc buộc phải ngồi liên tục 2 tiếng thì sau 2 tiếng làm việc bạn phải dành ít nhất 15 phút để vận động.

  • Tập thở

Thở đúng cách không chỉ giúp tái tạo năng lượng cho tế bào não, lưu thông máu huyết, tạo máu mà còn cung cấp nhiều oxy hơn để máu được dẫn truyền đến và nuôi dưỡng các khớp xương dễ dàng. Để phòng ngừa bệnh xương khớp cũng như giảm đau thì bạn nên tập thở từ 10 – 12 lần/phút (tùy theo sức mỗi người).

  • Các phương pháp vật lý trị liệu

Nếu đau nhức xương khớp kéo dài bạn có thể tìm đến các thầy thuốc để được thăm khám và tập luyện như tập dưỡng sinh, châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp,…

  1. Phương pháp dùng thuốc

Đối với Tây y bạn có thể dùng các thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Còn với Đông y, bạn có thể dùng các dược liệu tự nhiên để không gặp các tác dụng phụ. Các thảo dược có thể hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp có thể kể như:

  • Lá lốt, mắc cỡ, cỏ xước, cà gai leo, thổ phục linh,…sao lên và sắc lấy nước uống. Hoặc sử dụng trái nhàu, ngâm ủ và uống.
  • Các dược liệu Đông y như hương phụ, thiên niên kiện, quế chi, tang ký sinh,…Nếu muốn sử dụng các loại thuốc Đông y này, bạn cần đến gặp thầy thuốc để thăm khám, họ sẽ cấu tạo bài thuốc phù hợp để giảm đau hiệu quả.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: